Tăng cường phòng, chống ma túy

Năm 2021, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, trong đó nòng cốt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường phòng, chống ma túy bằng nhiều giải pháp.

Cán bộ UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) tư vấn điều trị cai nghiện tại cộng đồng cho người sử dụng ma túy (người phía bên phải) trên địa bàn.

Vẫn phức tạp

Thời gian gần đây, không ít vụ việc buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy có tính chất phức tạp trên địa bàn Hà Nội bị phát hiện, triệt phá, đưa ra xử lý trước pháp luật. Đó là vụ việc mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy số lượng lớn, liên quan đến bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I, huyện Thường Tín phát hiện vào cuối tháng 3-2021, do Nguyễn Xuân Quý (trú tại huyện Thanh Trì) cầm đầu. Đầu tháng 5 vừa qua, Công an huyện Phúc Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Xuân Hải (sinh năm 1971, trú tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”…

Đáng chú ý, đối tượng buôn bán ma túy thường dùng nhiều cách để lôi kéo, dụ dỗ giới trẻ sử dụng ma túy. Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp chưa đến tuổi vị thành niên bị ngộ độc chất kích thích liên quan đến ma túy, trong đó có cả cần sa, ma túy tổng hợp trộn trong thuốc lá điện tử. Độc tính của ma túy khiến người trẻ bị rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim…

Trong khi tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy biểu hiện ngày càng phức tạp, số người nghiện ma túy chưa giảm, thì công tác điều trị cai nghiện lại chưa đạt kết quả như mong muốn. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện đang quản lý gần 13.000 người sử dụng ma túy. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho hơn 10.000 lượt người cai nghiện tự nguyện; đưa hơn 4.000 lượt người đi cai nghiện theo hình thức bắt buộc.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương mở rộng mô hình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; duy trì sinh hoạt mô hình câu lạc bộ dành cho người sau cai nghiện ma túy (B93), giúp người sau cai nghiện có nơi giao lưu, sinh hoạt lành mạnh… Tuy vậy, trên thực tế, số người từng cai nghiện ma túy bỏ hẳn được ma túy chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nguyên nhân chủ yếu là do người nghiện, người sử dụng ma túy chưa có đủ bản lĩnh, ý chí, quyết tâm tránh xa con đường lầm lỡ; còn một số gia đình không tự giác khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác với chính quyền, nên rất khó tổ chức điều trị cai nghiện cho người sử dụng ma túy. Mặt khác, đâu đó vẫn có những người chưa nhìn nhận đúng về công tác phòng, chống ma túy, dẫn đến việc ứng xử chưa đúng.

Triển khai nhiều giải pháp

Nhằm từng bước đẩy lùi ma túy, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu khám phá, xử lý 2.300 vụ án tội phạm về ma túy, trong đó có 50% số vụ có tính chất mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy; triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy còn tồn tại; tích cực rà soát để kịp thời phát hiện những điểm, tụ điểm có nguy cơ phát sinh để tập trung đấu tranh, triệt xóa.

Với công tác điều trị cai nghiện, dự kiến trong năm nay, các cơ quan chức năng sẽ lập 900 hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tích cực vận động đưa người nghiện, người có sử dụng trái phép chất ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì điều trị thay thế bằng thuốc Methadone/Buprenorphine cho gần 5.000 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị Methadone; triển khai, mở rộng các cơ sở cấp, phát thuốc Methadone tại xã, phường, thị trấn…

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng tập trung nâng cao hiệu quả công tác điều trị nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy. Theo hướng này, ngoài những giải pháp đã triển khai, các địa phương vận động, khuyến khích người nghiện và gia đình họ tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy, tự nguyện tham gia các hình thức cai nghiện phù hợp; đồng thời lồng ghép công tác tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện với chương trình dạy nghề, tạo việc làm. Đặc biệt, một số địa phương duy trì triển khai thí điểm “Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”, “Mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”...

Góp phần nâng cao nhận thức xã hội về phòng, chống ma túy, các địa phương xây dựng đội công tác xã hội tình nguyện; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy cũng như tác hại của ma túy; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” (26-6)…

Ngoài ra, Công an thành phố thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy; giải quyết các địa bàn, tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, cơ sở chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy... Lực lượng Công an cũng rà soát, thống kê người sử dụng ma túy để quản lý, theo dõi, phòng ngừa; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp điều tra, đưa các vụ án về tội phạm ma túy ra xét xử điểm, xét xử lưu động...

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/999458/tang-cuong-phong-chong-ma-tuy