Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm

So với các năm trước đây, các mặt công tác về an toàn thực phẩm năm 2023 đã được triển khai khá đồng đều, nhất là từ khi triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Số vụ việc mất an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân đã giảm.

Quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm tại siêu thị Coop mart được thực hiện nghiêm ngặt đảm bảo VSATTP.

Quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm tại siêu thị Coop mart được thực hiện nghiêm ngặt đảm bảo VSATTP.

Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề hết sức phức tạp và đáng báo động. Vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan chưa được phân định rõ ràng. Tuyên truyền về an toàn thực phẩm vẫn chủ yếu mang tính thời vụ. Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp quận, huyện, cơ sở. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm...

Thực trạng trên đang đặt ra các yêu cầu mới không chỉ đối với ngành y tế mà còn đối với nhiều ngành liên quan với cách tiếp cận mới liên ngành, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở; phải quan tâm quản lý ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, phòng ngừa là chủ yếu với các nghiên cứu, đánh giá độc lập, khoa học về các nguy cơ, rủi ro trong suốt quá trình từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm. Công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông minh.

Bảo đảm hoàn thành trong năm 2024, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ sau đây: Hoàn thành việc rà soát, tổng kết toàn diện, khoa học, đồng bộ Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và các chiến lược, quy hoạch liên quan trong bối cảnh thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề mới, nhiều phương pháp quản lý hiện đại. Trong đó, cần xem xét mô hình quản lý nhà nước theo hướng thống nhất một đầu mối như Ban Bí thư đã chỉ đạo, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ Y tế là cơ quan đầu mối và của từng bộ, ngành liên quan và từng cấp chính quyền, phân cấp triệt để đi đôi với tăng cường các điều kiện thực thi, kỹ thuật, tổ chức bộ máy phù hợp, bảo đảm quản lý ngay từ cơ sở.

Tiếp tục coi truyền thông là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cần được đẩy mạnh với các hình thức, nội dung phong phú, truyền thông trên đa phương tiện; kết hợp truyền thông thường xuyên về kiến thức, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm và tập trung đẩy mạnh về thực hiện, bảo đảm an toàn thực phẩm trong các dịp cao điểm như Tết, mùa lễ hội... Các bộ, ngành tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, quản lý suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng đối với các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm được phân công quản lý.

Các mặt hàng hoa quả tại siêu thị được phân loại theo ngày đảm bảo độ tươi ngon, an toàn cho người tiêu dùng.Ảnh: Ngọc Bích

Các mặt hàng hoa quả tại siêu thị được phân loại theo ngày đảm bảo độ tươi ngon, an toàn cho người tiêu dùng.Ảnh: Ngọc Bích

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, ban hành các quy định, quy trình quản lý, quy chuẩn kỹ thuật nhằm hài hòa với các quy định của quốc tế; đề cao và phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình; có biện pháp hiệu quả giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Công tác hậu kiểm thay cho tiền kiểm cần được tăng cường. Lực lượng quản lý Nhà nước tập trung thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, có thể có tác động lớn đối với sức khỏe người dân; các lĩnh vực khác thì khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng, thực hiện, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố và tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm có kết nối với các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chủ động xây dựng, vận hành các trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm nhằm tạo thêm công cụ để quản lý và có biện pháp để doanh nghiệp, người dân có thể đăng ký, công bố sản phẩm của mình với thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi. Qua trang điện tử này, người tiêu dùng được thông tin và có thể phản ánh, đánh giá về sản phẩm thực phẩm, bảo đảm công khai, minh bạch.

Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chiến lược, chỉ thị về an toàn thực phẩm. Rà soát, tham mưu về các nhiệm vụ, giải pháp về công nghệ và kỹ thuật, phòng thí nghiệm... giúp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm có kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp nền tảng cho các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý thực phẩm và để doanh nghiệp, người dân đăng ký, công bố sản phẩm thực phẩm của mình theo hướng dẫn của các bộ, ngành. Bộ Y tế phải coi việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR... là một giải pháp nhằm cải cách quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Về một số nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện để triển khai Kế hoạch số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu các bộ, cơ quan ở Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho từng năm, xác định trách nhiệm rõ ràng của từng cơ quan, đơn vị, triển khai ngay từ những ngày đầu của năm, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư và Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn cũng được quan tâm. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trên thị trường; đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm kinh doanh thương mại điện tử, đa cấp; quy định rõ các tiêu chuẩn, quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các chợ thuộc lĩnh vực quản lý... Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quan tâm thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn.Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, xác định chỉ tiêu xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm; ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các cơ sở này.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-de-hom-nay/tang-cuong-quan-ly-dam-bao-an-toan-thuc-pham/206215.htm