Tăng cường quản lý giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở

Trước những tác động phức tạp đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong những năm qua, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở nói riêng luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc, chỉ huy các đơn vị Công an thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo...

Quá trình tiến hành đã chủ động, kịp thời thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu; sử dụng linh hoạt, đồng bộ nhiều biện pháp để quản lý, giám sát, giáo dục phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại đối tượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin từng bước thực hiện chuyển đổi trạng thái trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác quản lý, giáo dục đối tượng còn chồng chéo, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn; nhận thức của một số chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý, giáo dục đối tượng trên địa bàn chưa đầy đủ.

Ngoài ra, cán bộ Công an cấp xã trình độ chuyên môn không đồng đều, biên chế còn thiếu so với yêu cầu thực tế, nên việc triển khai thực hiện các biện pháp trong công tác quản lý đối tượng còn gặp nhiều khó khăn; Cảnh sát khu vực, cán bộ thực hiện công tác Cảnh sát khu vực hiện nay chịu áp lực lớn về khối lượng công việc đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý đối tượng; các ban ngành, đoàn thể chưa phát huy vai trò trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng, còn tình trạng coi đây là trách nhiệm của lực lượng Công an…

Lực lượng Công an xã có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, giáo dục dối tượng ở địa bàn cơ sở (Ảnh minh họa).

Lực lượng Công an xã có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, giáo dục dối tượng ở địa bàn cơ sở (Ảnh minh họa).

Tại hội thảo “Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Công an thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến, chia sẻ về khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, những biện pháp, mô hình hay của các đơn vị Công an Thành phố trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng đã được áp dụng hiệu quả, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như công tác quản lý trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Minh - Phó trưởng Công an huyện Đông Anh nhấn mạnh một số giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền; giáo dục tại cộng đồng, nhà trường; huy động hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc quản lý trẻ em, người chưa thành niên… Đối với chuyên đề quản lý đối tượng tại khu chung cư, khu đô thị mới, các đơn vị đã chỉ ra khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế do những nguyên nhân như: Công tác quản lý, tổ chức vận hành chung cư; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cư dân; công tác phối hợp, trao đổi thông tin; biên chế Cảnh sát khu vực quản lý địa bàn chung cư, khu đô thị mới.

Trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, quản lý người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương, Đại tá Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, đã chia sẻ một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý phòng ngừa tái phạm, vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù…

Trên cơ sở nghe ý kiến đóng góp của các đơn vị, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, phân tích, đánh tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các đơn vị Công an thành phố Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an Thành phố, yêu cầu các đơn vị, các hệ lực lượng Công an Thành phố trong thời gian tới phải tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của chỉ huy các cấp, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong tổ chức thực hiện công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở; gắn công tác quản lý đối tượng với công tác nghiệp vụ cơ bản. Đồng thời cần xác định việc chuyển đổi các biện pháp công tác quản lý đối tượng từ thủ công, truyền thống sang công nghệ, hiện đại là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi trạng thái công tác quản lý đối tượng.

Các Phòng nghiệp vụ Công an Thành phố rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản do Công an Thành phố xây dựng liên quan đến công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở để đánh giá những văn bản chồng chéo, nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, tham mưu Ban Giám đốc có phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoặc bãi bỏ, theo hướng các văn bản ban hành phải mang tính xuyên suốt, có giá trị sử dụng lâu dài.

Giao Công an cấp xã, Công an cấp huyện tập trung rà soát, điều tra cơ bản, xác định chính xác số đối tượng trong diện quản lý trên địa bàn đảm bảo thống nhất số liệu giữa hồ sơ, sổ sách với phần mềm quản lý, tuyệt đối không để sót lọt đối tượng. Đồng thời thường xuyên cập nhật, làm sạch thông tin đối tượng trên phần mềm quản lý, đảm bảo thông tin đối tượng luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Công an các cấp thực hiện nghiêm túc công tác trao đổi thông tin về đối tượng trong diện quản lý. Đồng thời nghiên cứu cơ chế chia sẻ thông tin về đối tượng giữa các hệ lực lượng trong Công an Thành phố để làm giàu và khai thác hiệu quả tài nguyên dữ liệu đối tượng trên hệ thống.

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với các phòng nghiệp vụ có liên quan tập trung tham mưu Ban Giám đốc Công an Thành phố phương án giải quyết các vấn đề nổi cộm, cấp thiết trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở.

H.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-quan-ly-giao-duc-doi-tuong-o-dia-ban-co-so-175132.html