Tăng cường quản lý người tâm thần lang thang

Không khó để bắt gặp người tâm thần đi lang thang trên các tuyến phố với vẻ ngoài kỳ dị, hành vi bất thường. Khi lên cơn, các đối tượng thường gây rối, đập phá làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, văn minh và mỹ quan đô thị. Để khắc phục tình trạng trên, các cấp, ngành trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý người tâm thần lang thang ngoài cộng đồng, giúp người tâm thần có một môi trường sống tốt hơn.

Người điên trên đường phố

Mới đây, tại khu vực ngã ba giao cắt giữa đường Lý Thái Tổ và đường Nguyễn Trãi, thuộc phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, chúng tôi gặp người phụ nữ khoảng 50 tuổi ngồi thơ thẩn một mình trên bãi cỏ. Giữa mùa hè, chị đeo đôi tất len cao quá cổ chân, xỏ đôi dép tổ ong màu vàng, mặc chiếc áo cộc tay và chiếc quần ngắn với đủ màu sắc, hoa văn sặc sỡ.

Người phụ nữ với vẻ ngoài kỳ dị phơi quần áo trên bãi cỏ, giữa trung tâm thành phố Vĩnh Yên khiến nhiều người ái ngại

Người phụ nữ với vẻ ngoài kỳ dị phơi quần áo trên bãi cỏ, giữa trung tâm thành phố Vĩnh Yên khiến nhiều người ái ngại

Tôi lại gần hỏi han, chị nói vừa mới giặt quần áo ở dưới ao, giờ đem lên phơi và ngồi chờ đến khi nào khô thì về. Tôi hỏi chị về đâu? Chị bảo về gầm cầu, chị thường ngủ ở đấy. Quê chị ở Thanh Hóa, chị đi “du lịch” mấy tháng nay.

Khi tôi nói đây là Vĩnh Phúc chị không tin, chị tưởng mình đang ở Hàn Quốc, bắt xe về quê mấy lần nhưng tài xế không biết đường nên chị đành đi tiếp. Hằng ngày, chị vác chiếc ba lô đựng đủ thứ đồ đi lang thang khắp nơi, đi đến khi nào mệt thì nghỉ.

Khi nào người ngứa ngáy không chịu được thì xuống ao để tắm. Giữa trung tâm thành phố, hình ảnh người đàn bà điên đi lang thang khiến nhiều người chứng kiến không khỏi ái ngại, xót xa.

Cách đây không lâu, trên tỉnh lộ 307, đoạn qua xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, chúng tôi cũng tình cờ gặp người đàn ông đang cặm cụi bới tìm trong đống rác thứ gì đó, một lát sau, ông ta đưa thứ hôi thối nhặt được từ đống rác cho lên miệng nhai. Hành động đó khiến những người chứng kiến cảm thấy vô cùng ghê sợ. Có người lại gần đưa cho người đàn ông hộp cơm nóng nhưng bị ông ta hất văng, đuổi đi.

Theo người dân sống gần đó, người đàn ông này không phải là người dân địa phương. Không ai biết ông ta tên gì, đến từ đâu, chỉ thấy ông ta xuất hiện 1, 2 lần rồi biến mất.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp người tâm thần đi lang thang trên đường phố. Người tâm thần ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có khi là cô gái tóc tai rối bù, mắt nhìn hư không; có khi là bà cụ nói năng lảm nhảm; có lúc lại là thanh niên đi bới rác, đội túi nilon lên đầu... Họ có điểm chung là vẻ ngoài không được sạch sẽ, nhếch nhác, hành vi bất thường, vô nghĩa; một số trường hợp hung dữ, có thể gây hại cho những người xung quanh.

Quan tâm, chăm sóc người tâm thần

Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết tình trạng người tâm thần lang thang trên địa bàn tỉnh.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành Công an, Y tế, UBND các huyện, thành phố rà soát, thu gom người tâm thần lang thang về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lương Cầm Vĩnh cho biết: "Khi nhận được tin báo của nhân dân về việc phát hiện người tâm thần lang thang ngoài cộng đồng (trực tiếp hoặc qua tổng đài miễn phí 1800 585898), trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương nơi phát hiện đối tượng tổ chức tiếp cận, thu gom đối tượng về trụ sở UBND cấp xã; cử nhân viên y tế thăm khám, kết luận sơ bộ tình trạng sức khỏe của đối tượng.

Trong trường hợp không khai thác được thông tin về quê hương, nơi ở của đối tượng, UBND cấp xã nơi phát hiện đối tượng sẽ lập biên bản tại chỗ về việc phát hiện đối tượng, đồng thời, làm văn bản đề nghị Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận khẩn cấp để đảm bảo nhu cầu cuộc sống cấp thiết cho đối tượng".

Trong thời gian tiếp nhận đối tượng về đơn vị, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp tục khai thác thông tin từ đối tượng, đồng thời, nhắn tìm thân nhân, quê quán của đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau 30 ngày, nếu không xác định được thân nhân, quê quán của đối tượng bị tâm thần thể nặng, trung tâm sẽ lập hồ sơ đề nghị chuyển gửi vào Trung tâm Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng người tâm thần tỉnh. UBND cấp xã nơi phát hiện đối tượng có trách nhiệm làm khai sinh cho đối tượng.

Những năm qua, trung tâm đã tiếp nhận hàng chục đối tượng người tâm thần vào chăm sóc, nuôi dưỡng. Riêng năm 2021, trung tâm tiếp nhận khẩn cấp 2 đối tượng tâm thần lang thang ngoài cộng đồng, trong đó, 1 trường hợp lang thang trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, đến nay chưa xác định được quê hương, người thân; 1 trường hợp lang thang trên địa bàn xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, trung tâm đã xác định được địa chỉ của đối tượng và chuyển gửi về chăm sóc tại gia đình ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Tuy vậy, việc quản lý người tâm thần lang thang ngoài cộng đồng vẫn gặp không ít khó khăn. Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa Hoàng Thị Vĩnh Tuyến cho biết: "Những năm qua, phường không tiếp cận, thu gom được đối tượng người tâm thần lang thang nào ngoài cộng đồng mặc dù có nhận được tin báo từ người dân. Nguyên nhân là do các đối tượng thường xuyên di chuyển, khi lực lượng chức năng đến hiện trường thì đối tượng đã di chuyển sang địa bàn khác. Mặt khác, việc xác định thân nhân, quê quán của người tâm thần gặp nhiều khó khăn do một số đối tượng mắc bệnh nặng, không đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra một số vụ án mạng đau lòng mà hung thủ là người mắc bệnh tâm thần. Do đó, việc quản lý chặt chẽ người tâm thần lang thang là vấn đề bức thiết, nhằm hạn chế những rủi ro mà người tâm thần có thể gây ra cho người khác, đồng thời giúp bệnh nhân tâm thần có một môi trường sống tốt hơn.

Thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp trong việc quản lý người tâm thần lang thang ngoài cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh đô thị Vĩnh Phúc văn minh, an toàn.

Bài, ảnh: Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78756/tang-cuong-quan-ly-nguoi-tam-than-lang-thang.html