Tăng cường quản lý vùng nuôi trồng thủy sản

Người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) chăm sóc tôm nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi ở Phú Yên cơ bản ổn định. Để nuôi trồng thủy sản năm nay thành công, Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương tăng cường quản lý vùng nuôi.

Các vùng nuôi ổn định

Theo Sở NN-PTNT, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn ổn định, dịch bệnh trên thủy sản nuôi có xảy ra nhưng không đáng kể. Ông Nguyễn Văn Bút nuôi 3 hồ tôm thẻ chân trắng, với diện tích khoảng 1,8ha ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa) cho biết, vụ nuôi thứ nhất vừa qua, ở khu vực có vài hồ nuôi xảy ra tình trạng tôm bệnh.

Nhưng so với mọi năm thì năm nay tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ít hơn. “Vụ nuôi vừa rồi, tôm của gia đình tôi không bị bệnh, nhưng cũng như nhiều hộ nuôi khác, tôm phát triển rất chậm, phải đến 3 tháng mới thu hoạch. Do ảnh hưởng COVID-19, tôm nuôi chỉ tiêu thụ nội địa nên giá bán không cao. Vụ này, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi lãi hơn 40 triệu đồng. Hiện gia đình tôi đang thả nuôi vụ thứ hai, tôm phát triển bình thường”, ông Bút nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, cho biết: Đến nay, ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch, người dân đã thả nuôi khoảng 475ha tôm thẻ chân trắng, đạt hơn 50% so với kế hoạch và tăng khoảng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Số diện tích tôm nuôi đã thu hoạch đến nay khoảng 180ha, năng suất bình quân đạt khoảng 5,6 tấn/ha.

Hiện khoảng 20ha diện tích tôm nuôi bị bệnh, chủ yếu là hoại tử gan tụy cấp. Đối với các hồ nuôi có tôm bị bệnh, đơn vị đã phối hợp với địa phương kiểm tra, hướng dẫn người nuôi cách phòng trị bệnh trên tôm nuôi, đồng thời hỗ trợ 1.230kg hóa chất Sodium Chlorite 20% để xử lý ao tôm bị bệnh. Phòng Kinh tế cử cán bộ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn người nuôi về cách chăm sóc và phòng bệnh cho tôm nuôi, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh.

Người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) thu hoạch tôm. Ảnh: ANH NGỌC

Người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) thu hoạch tôm. Ảnh: ANH NGỌC

Cần chủ động phòng bệnh

Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết: Đến nay, diện tích thả nuôi thủy sản các loại trên địa bàn tỉnh khoảng 1.315ha (tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước); trong đó diện tích thả nuôi cá các loại khoảng 155ha, tôm khoảng 950ha, thủy sản các loại khoảng 210ha.

Đối với nuôi thủy sản lồng bè, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 78.220 lồng (giảm 3,5% so với năm trước), trong đó huyện Tuy An gần 7.700 lồng, TX Đông Hòa 13.645 lồng và TX Sông Cầu khoảng 56.875 lồng (giảm hơn 2.820 lồng).

Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi từ đầu năm đến nay có xảy ra ở một số vùng nuôi nhưng diện tích không đáng kể. Các địa phương và người nuôi đang tăng cường công tác quản lý vùng nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho thủy sản nuôi.

Theo Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN-PTNT), mới đây đơn vị đã lấy mẫu nước tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm. Kết quả quan trắc môi trường nước cấp tại các vùng nuôi cho thấy có một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép.

Ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, cho biết: Người nuôi thủy sản nên lấy nước vào ao chứa lắng, xử lý bằng các chế phẩm vi sinh giúp ổn định môi trường, kiểm tra các thông số môi trường đạt chuẩn trước khi cấp vào ao nuôi, nhất là các vùng nuôi thuộc TX Đông Hòa.

Trong những ngày qua, thời tiết nhiều nơi trong khu vực có nắng nóng, người nuôi nên thường xuyên theo dõi sức khỏe thủy sản nuôi, đồng thời theo dõi các thông số môi trường như nhiệt độ, độ mặn, pH, ôxy hòa tan… để có phương pháp xử lý kịp thời; bổ sung vitamin C, khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng và chủ động phòng bệnh cho thủy sản nuôi; giảm lượng thức ăn cho tôm nuôi tránh thức ăn thừa làm ô nhiễm nền đáy ao nuôi.

Đối với các vùng nuôi tôm hùm, duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5-2m để tránh thiếu ôxy cục bộ cho tôm nuôi. Các hộ nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước, chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước, theo dõi hoạt động, sức khỏe tôm nuôi.

Các địa phương có nuôi trồng thủy sản cần tăng cường các giải pháp quản lý tốt vùng nuôi, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc trạm chăn nuôi và thú y để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không xả nước, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường. Các hộ nuôi trong cùng một vùng tổ chức sản xuất theo tổ cộng đồng áp dụng các quy trình thực hành nuôi tốt, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn vùng nuôi.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/256093/tang-cuong-quan-ly-vung-nuoi-trong-thuy-san.html