Tăng cường sản xuất giấy bao bì cao cấp để đáp ứng nhu cầu thị trường
Giấy bao bì hiện là sản phẩm giấy chính tại Việt Nam, chiếm gần 80% tổng tiêu thụ toàn ngành. Tuy nhiên, trong năm 2019, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 1,2 triệu tấn, vì sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 5%.
Đây là hạn chế nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp giấy có tiềm lực đầu tư công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng bắt kịp nhu cầu trong và ngoài nước.
Điểm sáng từ các doanh nghiệp giấy tiềm năng
Theo nhận định của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), trong tháng 3/2020, tất cả các mặt hàng của ngành giấy bao gồm giấy bao bì đều tăng trưởng từ 2-5% so với tháng 2/2020. Hiện tại, sản xuất giấy bao bì trong nước chủ yếu là giấy lớp mặt (Testliner, Krafliner) và giấy lớp sóng (Medium), dùng để sản xuất thùng carton sóng, đáp ứng được 84% nhu cầu nội địa.
Riêng loại giấy tráng phủ cao cấp như Whitetopliner được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực in ấn bao bì thủy sản, đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu, đa phần phải nhập khẩu vì rất ít doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được.
Một thực trạng hiện nay trong ngành giấy số lượng doanh nghiệp tuy đông đảo nhưng lại nhỏ yếu, công nghệ lạc hậu. Nếu xét về tiềm lực, các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn với nguồn vốn lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, năng suất cao, sản lượng trung bình trên 400.000 tấn/năm như Lee & Man Việt Nam (420.000 tấn/năm), Vina Kraft (500.000 tấn/năm), Chánh Dương (550.000 tấn/năm). Trong đó Lee & Man là một trong những doanh nghiệp có thể sản xuất loại giấy Whitetopliner với sản lượng trung bình hơn 100.000 tấn/năm, chiếm gần 25% tổng sản lượng giấy bao bì của toàn nhà máy.
Doanh nghiệp “lấp khoảng trống” phân khúc giấy bao bì tráng phủ cao cấp
Theo VPPA, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng giấy bao bì dự báo tăng trưởng 14 -18% năm. Tuy nhiên, phân khúc giấy bao bì cao cấp (tráng phủ) là “khoảng trống” mà ngành giấy cần lắp đầy, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất các loại giấy bao bì thông thường. Ngoài ra, với bất cứ sản phẩm nào, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư chất lượng nếu muốn cạnh tranh với giấy ngoại nhập. Trong đó, Lee & Man với năng lực và thế mạnh trong việc sản xuất giấy tráng phủ cao cấp Whitetopliner, sẽ có nhiều tiềm năng giúp ngành giấy trong nước giải đáp bài toán về nhu cầu.
Bên cạnh đó, hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại của Lee & Man cho phép sản xuất sản phẩm có bề mặt láng mịn, độ đồng đều 3 lớp cao, giúp bao bì có thể in ấn những hình ảnh sắc nét, nhiều màu sắc, chi tiết, góp phần giảm chi phí mực in xuống tới 50%. Mặt khác, so với các sản phẩm giấy trong nước, giấy bao bì của Lee & Man có độ chống thấm rất cao.
Cùng với việc tạo ra sản phẩm chất lượng là sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp. Với tổng số đầu tư 650 triệu đô-la của Lee & Man để hiện đại hóa quy trình sản xuất cho nhà máy đặt tại Hậu Giang.
Ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc Lee & Man Việt Nam chia sẻ về cải tiến trong sản xuất giấy bao bì: “Công nghệ mới cho phép Lee & Man sản xuất sản phẩm giấy bao bì ngày càng mỏng nhưng vẫn đáp ứng được độ dai cũng như độ cứng cần thiết, tiết kiệm nguồn nguyên, nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời hạ giá thành sản phẩm. Sản phẩm giấy của chúng tôi đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chỉ tiêu chất lượng, an toàn với các chứng chỉ quan trọng như: FSC; ISO 9001:2015; ISO 14001:2015; OHSAS 18001:200”.
Ngoài ra, trong xuyên suốt quá trình hoạt động, việc nâng tầm chất lượng ngành giấy tại Việt Nam là mục tiêu mà Lee & Man luôn hướng đến: “Nhận định được nhu cầu thị trường về giấy bao bì cao cấp, ngay từ đầu, Lee & Man đã có sự đầu tư rất lớn về công nghệ, tập trung sản xuất các loại giấy mà nhiều nhà máy sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Đồng thời, công ty lấy công nghệ xử lý giấy tái chế làm bệ phóng, hướng đến sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào phát triển bền vững của ngành và đất nước.”.
Nhìn chung, Lee & Man cũng như các doanh nghiệp giấy bao bì có đủ tiềm lực sẽ có hướng đầu tư đúng đắn, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm giấy Việt.