Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước (gọi tắt là Nghị quyết 30a), với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đến nay diện mạo huyện miền núi Đakrông có những thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng cao.

 Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông

Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đakrông luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với công tác xóa đói giảm nghèo, quyết tâm đưa Đakrông thoát khỏi huyện nghèo. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, Huyện ủy Đakrông đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 4/6/2009 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ”, xác định rõ quan điểm, tư tưởng lãnh đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, Huyện ủy Đakrông ban hành thêm nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, lồng ghép với xóa đói giảm nghèo. Trên cơ sở các nghị quyết, kết luận của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông đã quán triệt, triển khai thực hiện đến tận đảng viên; đồng thời phân công trách nhiệm cho các đồng chí lãnh đạo huyện phụ trách cụm, xã, thị trấn; chỉ đạo UBND huyện phân công phòng, ban ngành chức năng cấp huyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện. UBND huyện Đakrông xây dựng Chương trình hành động số 50/CTHĐ-UBND để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 10-NQ/HU của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ; thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững cấp xã để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo đề ra.

Phát huy vai trò của UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch đến thực hiện giám sát, quản lí các chương trình dự án giảm nghèo có hiệu quả; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phát động các phong trào thi đua trong hội viên, đoàn viên, huy động các nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hằng năm, tổng kết công tác xây dựng Đảng, các nghị quyết, kết luận chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội lồng ghép đánh giá kết quả chỉ đạo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, phát hiện những điển hình, mô hình, cách làm hay, sáng tạo, kịp thời biểu dương, nhân rộng trên địa bàn. Với quyết tâm cao của toàn đảng bộ và sự nỗ lực của người dân, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Đakrông đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là đã nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, huyện Đakrông đã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường học, trạm y tế theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, tạo thuận lợi cho nhân dân trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cơ bản của xã hội. Đồng thời tập trung tối đa nguồn lực từ Chương trình 30a và lồng ghép các nguốn vốn khác để từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao năng lực quản lí và tổ chức sản xuất, phát triển hệ thống giáo dục, dạy nghề, nâng cao dân trí, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đã đến được với người dân, nhờ đó người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhằm nâng cao mức sống. Từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã huy động nguồn vốn 580 tỉ đồng thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo; trong đó đầu tư 115 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu với số tiền 316 tỉ đồng. Đến cuối năm 2018, tỉ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 38,46%; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 1.138 lao động. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 13,9 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 56,55% năm 2015 xuống còn 39,7% năm 2018 theo tiêu chí mới, bình quân tỉ lệ hộ nghèo giảm 5,61%/năm.

Có thể khẳng định, kết quả giảm nghèo của huyện Đakrông trong những năm qua đã tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, nhóm dân cư. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện Đakrông vẫn chưa bền vững. Một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, nguy cơ tái nghèo còn cao. Để đưa huyện Đakrông thoát khỏi huyện nghèo, thời gian tới Đảng bộ huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Xác định công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với huyện nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể và đồng bộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp tích cực của MTTQ và các đoàn thể nhân dân; đồng thời phát huy vai trò làm chủ của người dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Khánh Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=142267