Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm '4 tại chỗ'

Ngày 9/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Năm qua, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTT, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, khu dân cư khu vực khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất; tăng cường kiểm tra công tác PCTT, đánh giá hiện trạng các công trình hồ đập chứa nước cũng như các công trình đang thi công...

Tuy nhiên, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh vẫn chịu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Trong đó có 4 người chết, 1 người bị thương; 737 nhà bị hư hỏng, thiệt hại, di dời khẩn cấp; trên 2.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm, cây trồng hàng năm, cây ăn quả bị thiệt hại; gần 2.800 con gia súc gia cầm bị chết; nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị sạt lở, hư hỏng... Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 278 tỷ đồng.

UBND tỉnh cũng đánh giá những nguyên nhân, hạn chế trong công tác PCTT&TKCN. Triển khai nhiệm vụ năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”. Trong đó, quan tâm kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng tham mưu giúp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Tiếp tục rà soát, xác định chính xác các khu vực trọng điểm xung yếu; rà soát phân loại và đánh giá mức độ an toàn tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, từng công trình...

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các cấp, ngành cần xác định công tác PCTT&TKCN là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm xuyên suốt cả năm. Nếu không làm tốt công tác này sẽ gây thiệt hại rất lớn trên nhiều lĩnh vực. Không được có tâm lý chủ quan, lơ là trong mưa lũ, sạt lở đất, đá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực nguy cơ cao. Xây dựng phương án PCTT phải sát với từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, quan tâm xây dựng phương án sơ tán dân khu vực hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra. Chú trọng kiểm tra đảm bảo an toàn hệ thống công trình hồ đập, có phương án đảm bảo an toàn, không để bị động, bất ngờ...

H.N

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/136945/tang-cuong-thuc-hien-cong-tac-phong,-chong-thien-tai-theo-phuong-cham-4-tai-cho.htm