Tăng cường truyền thông phát triển cây dược liệu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phát triển vùng dược liệu quý ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giúp đỡ người dân vùng sâu, vùng xa có thể định cư tốt tại các khu vực họ đang sinh sống.

Trong các ngày từ 29/11 đến 1/12, tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe phối hợp với Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo tập huấn chia sẻ kinh nghiệm truyền thông nâng cao xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 Ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Bộ Y tế chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Báo Đắk Nông

Ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Bộ Y tế chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Báo Đắk Nông

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án 3 “Phát triển, sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tại khóa tập huấn, các học viên được cung cấp thông tin, kiến thức về các vấn đề của ngành Dược liệu Việt Nam; thông tin về phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; thu hút đầu tư đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Cùng với đó là các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến xây dựng, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác quản lý và phát triển dược liệu giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe của Bộ Y tế, Chính phủ đang có chủ trương, chính sách rất cụ thể để phát triển những vùng dược liệu quý ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chủ trương rất lớn, hướng tới mục tiêu giúp đỡ người dân vùng sâu, vùng xa có thể định cư tốt tại các khu vực họ đang sinh sống và canh tác những cây dược liệu.

 Thu hoạch hoa sâm bố chính ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: TL

Thu hoạch hoa sâm bố chính ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: TL

Để thực hiện chủ trương này, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được sự hỗ trợ đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở chuỗi liên kết giá trị. Trong đó, công tác truyền thông của chính quyền, doanh nghiệp, các nhà khoa học... có vai trò rất quan trọng.

Việt Nam có 12.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có trên 5.100 loài thuộc 1.830 chi, 380 họ của 8 ngành thực vật bậc cao được sử dụng làm thuốc. Tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn/năm, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-cuong-truyen-thong-phat-trien-cay-duoc-lieu-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post274445.html