Tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm từ 13-17 tuổi đang có xu hướng tăng lên. Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để nâng cao nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên và cộng đồng về tác hại của thuốc lá rất cần sự chung tay phối hợp của các ngành, đoàn thể và toàn xã hội.

Tăng nhanh tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy những gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam. Sử dụng thuốc lá đang chuyển nhanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường.

Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống thuốc lá tỉnh Bình Dương phát biểu tại lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá

Báo cáo của cơ quan chức năng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc đã giảm 38,9% trong nam giới trên 15 tuổi. Nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Thực tế cho thấy công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn. Các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện dễ dàng cho mọi người tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.

Trong thời gian gần đây xuất hiện các sản phẩm gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa và việc sử dụng các dạng thuốc lá này tăng nhanh trong lứa tuổi học sinh, sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung đang ở mức báo động. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Thực trạng nói trên ảnh hưởng lớn đến nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá và là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ làm cho tỷ lệ hút thuốc gia tăng trở lại nếu chúng ta không tiếp tục có các biện pháp quyết liệt và kịp thời.

Năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5. Thông qua chủ đề này, WTO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.

Tỷ lệ phơi nhiễm giảm tại các địa điểm công cộng

Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng chống thuốc lá tỉnh Bình Dương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Đoàn khối Các cơ quan tỉnh tổ chức lễ mít tinh và diễu hành cổ động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5-2024) và Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5).

Xe diễu hành hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá

Thời gian qua, Bộ Y tế, UBND tỉnh Bình Dương, các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm đến việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Riêng ngành y tế tỉnh đã tích cực triển công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được người dân quan tâm ủng hộ mạnh mẽ. Nhờ đó, hành vi hút thuốc lá tại nơi làm việc đã giảm, hành vi hút thuốc không còn là phổ biến.

Đặc biệt, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tại tỉnh Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng tại các cơ quan, trường học, bệnh viện, khu dân cư trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng được nhiều mô hình tốt, như: Cơ quan không khói thuốc, bệnh viện không khói thuốc, trường học không khói thuốc.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn được thực hiện thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, từng bước đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào đời sống. Nổi bật là tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người. Hầu hết các địa điểm cấm hút thuốc lá đã có nội quy, treo biển cấm hút thuốc.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, một số địa điểm có số lượng biển cấm còn ít, vị trí đặt biển, kích thước biển chưa phù hợp và khó quan sát…

Nhằm duy trì kết quả đã đạt được, thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và tiếp tục thực hiện Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, Ban Chỉ đạo phòng, chống thuốc lá tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tuyên truyền nội bộ; đưa vào kế hoạch hoạt động hàng năm; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành thanh, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi, hội thi, tìm hiểu.

Bà Nguyễn Thị Giang Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, cho biết nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em; nâng cao nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên và cộng đồng về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác, trung tâm mong muốn các địa phương, các ngành, đoàn thể tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử tại các cơ sở giáo dục; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha vì các sản phẩm này hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.

KIM HÀ - QUỲNH TRANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tang-cuong-truyen-thong-ve-tac-hai-cua-thuoc-la-a325072.html