Tăng cường xây dựng Đảng, khai thác các nguồn lực đưa Yên Lập phát triển bền vững

PTĐT - Nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Lập luôn đoàn kết, đồng thuận một lòng, kiên trì phấn đấu thực hiện đạt và vượt 20/21 mục tiêu cơ bản mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Phát huy thế mạnh về tài nguyên, đất đai, lao động, huyện Yên Lập đã có nhiều nỗ lực trong quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp (CN), cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.- Công ty TNHH Dệt may Thygesen Việt Nam là doanh nghiệp của Đan Mạch đang hoạt động tại CCN thị trấn Yên Lập với quy mô trên 300 công nhân.

Phát huy thế mạnh về tài nguyên, đất đai, lao động, huyện Yên Lập đã có nhiều nỗ lực trong quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp (CN), cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.- Công ty TNHH Dệt may Thygesen Việt Nam là doanh nghiệp của Đan Mạch đang hoạt động tại CCN thị trấn Yên Lập với quy mô trên 300 công nhân.

Trung bình hàng năm, huyện đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,44%/năm (mục tiêu Nghị quyết 6,5%/năm trở lên) với thu nhập bình quân đầu người 28,3 triệu đồng. Từ đặc điểm đất đai, khí hậu và trình độ canh tác, huyện Yên Lập xác định phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp là đảm bảo thu nhập chủ yếu, góp phần ổn định đời sống nhân dân, là yếu tố đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và hướng đến sản xuất hàng hóa. Vì thế, những năm qua, trên cơ sở phát huy lợi thế diện tích đồi rừng, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện phát triển khá toàn diện. Huyện đã phát triển các sản phẩm có lợi thế như cây nguyên liệu, chè, bưởi Diễn, lúa nếp Gà gáy... Nhờ đó đã hình thành một số tiểu vùng sản xuất chuyên canh gắn với chế biến và thị trường như vùng chè Ngọc Lập, Ngọc Đồng, Minh Hòa; xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa nếp Gà gáy chất lượng cao ở Mỹ Lung; cây dược liệu quế ở Trung Sơn, Thượng Long; cây bưởi Diễn ở Đồng Thịnh, Xuân Thủy, Phúc Khánh.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp và đưa các giống lúa chất lượng cao như J02... vào sản xuất đã giúp năng suất, sản lượng tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015. Cùng với sản xuất lương thực, huyện không ngừng mở rộng diện tích, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, thâm canh cây chè và tích cực trồng rừng sản xuất, bảo vệ rừng đầu nguồn; tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hình thức gia trại, trang trại. Là huyện miền núi, Yên Lập không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp - xây dựng như các huyện đồng bằng. Nhận thấy rõ điều này, Yên Lập đã dồn sức khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, mở các nghề mới như chế biến nông - lâm sản; đẩy nhanh việc thi công các công trình điện, giao thông, nâng cấp và xây dựng mới các chợ nông thôn, trung tâm cụm xã để phát triển các ngành dịch vụ. Nhờ đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển đa dạng theo hướng gắn với vùng nguyên liệu và lợi thế về cây lâm nghiệp; chế biến gỗ, cây chè và khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng gắn với việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Hiện nay, Yên Lập đã xây dựng được 2 cụm công nghiệp (thị trấn Yên Lập và Lương Sơn), thu hút 11 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động; có 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã và 699 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 2.473 hộ kinh doanh đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện thu hút đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ, thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển. Được xác định là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ, Yên Lập đã huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với trên 500 công trình, dự án được xây dựng, cải tạo hoặc nâng cấp, tập trung vào hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện, nhà văn hóa khu dân cư... theo chuẩn nông thôn mới. Có thể khẳng định các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm thay đổi đáng kể diện mạo của huyện, đưa thị trấn Yên Lập được công nhận là đô thị loại V. Việc huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cũng giúp huyện Yên Lập có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 31 khu dân cư đạt khu dân cư nông thôn mới, đạt 256/304 tiêu chí (bình quân đạt 16 tiêu chí/xã).

Đi đôi với phát triển kinh tế, Yên Lập chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa xã hội, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội và các hoạt động nhân đạo từ thiện, củng cố và giữ vững thế trận quốc phòng, an ninh. Những năm qua, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục- đào tạo của huyện tăng cả về quy mô và chất lượng. Toàn huyện hiện có 47/59 trường học đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đỗ đại học đạt 21,2%, vượt 1,2% so với mục tiêu Nghị quyết. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, huyện đã củng cố mạng lưới y tế cơ sở, y tế thôn bản với 16/17 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sỹ; tỷ lệ dân số được cấp thẻ BHYT đạt 92%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì, đẩy manh; tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt trên 80%, gia đình văn hóa đạt trên 85%; 100% khu dân cư có nhà văn hóa. Với nhiều nỗ lực giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 3,4%/năm, vượt 0,9%/năm, đến nay còn 10,2%.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 890 đảng viên, vượt 140 đảng viên; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 87,07%, chi bộ trực thuộc Đảng ủy hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 92,13%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân đạt 90,8%. Năm 2018 và 2019, Đảng bộ huyện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2018 Nhân dân và cán bộ huyện Yên Lập vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.Trong nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, Đảng bộ huyện Yên Lập chú trọng cả ba nội dung là công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đổi mới công tác vận động quần chúng. Các cấp ủy Đảng đã gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Lập sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; khai thác tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ trọng điểm trong phát triển kinh tế là “Phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là phát triển cây gỗ lớn, cây dược liệu và cây ăn quả” và “Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới”, phấn đấu xây dựng huyện Yên Lập phát triển toàn diện, bền vững.

Nguyễn Minh Tuấn
TUV, Bí thư Huyện ủy Yên Lập

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202007/tang-cuong-xay-dung-dang-khai-thac-cac-nguon-luc-dua-yen-lap-phat-trien-ben-vung-172138