Tăng cường xử lý vi phạm ở các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão
Các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh là nơi tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, tại một số khu vực này có một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, gây cản trở dòng chảy, luồng lạch của tàu thuyền, nhưng chưa được xử lý triệt để.
Ô nhiễm ở Cảng cá Lạch Bạng (Tĩnh Gia) trong thời gian qua chưa được xử lý triệt để.
Tại Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, người dân đã tự ý san lấp xây dựng 2 cầu cảng tự phát thu hút hàng trăm lượt tàu thuyền/ngày ra vào bốc dỡ hải sản. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, 2 cầu cảng này do người dân xã Hải Lộc xây dựng với chiều dài khoảng 15m đến 20m, lấn chiếm hành lang đê điều, gây cản trở cho tàu thuyền ra vào tránh trú khi có bão. Theo anh Nguyễn Đình Ánh, cán bộ Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc, tình trạng người dân tự ý xây dựng cầu cảng ngay khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đã xảy ra từ lâu. Trong khi khu neo đậu tránh trú bão có công suất 264 phương tiện tránh trú, thực tế mỗi khi có bão tàu thuyền vào neo đậu từ 450 đến 500 phương tiện của ngư dân các xã bãi ngang huyện Hậu lộc và xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), nên rất khó khăn. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông quanh khu neo đậu lầy lội, chưa được kiên cố; không có hệ thống chiếu sáng; không có nhà điều hành trong âu;... ban quản lý đã yêu cầu địa phương có biện pháp tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Điều đáng nói, trong khi ban quản lý cảng cá ra sức tuyên truyền các hộ dân tháo dỡ công trình vi phạm thì chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành cũng như sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú trong mùa mưa bão.
Trong thời gian qua, tại khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng (Tĩnh Gia) có nhiều công trình do tổ chức, cá nhân ngang nhiên san lấp, đổ đất, đá ra khu vực cảng, khu neo đậu tàu thuyền để chiếm dụng xây dựng bờ kè, công trình nhà xưởng, ảnh hưởng đến việc neo đậu của tàu thuyền trong mùa mưa bão. Sau khi có nhiều ý kiến phản ánh của người dân, UBND xã Hải Thanh và xã Hải Bình đã ra quân xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, trả lại trạng thái ban đầu cho hành lang khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền vẫn còn hạn chế. Điều này đã gây cản trở, khó khăn, mất an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng cá và gây mất an ninh trật tự khu vực neo đậu. Ngoài ra, khu vực cảng thuộc địa phận xã Hải Bình, tình trạng các hộ kinh doanh, sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản... ngang nhiên xây dựng lấn chiếm cũng diễn ra khá phổ biến.
Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm vùng đất, vùng nước, công trình cảng cá và buộc trả lại diện tích đã lấn chiếm đối với hành vi vi phạm. Mặc dù, nghị định đã có hiệu lực nhưng việc xử lý các vi phạm ở các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão vẫn chưa được các sở, ngành có liên quan của tỉnh, địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc, gây mất trật tự an ninh khu vực này. Để khắc phục những tồn tại trên, đáp ứng nhu cầu bốc dỡ hải sản, nhu yếu phẩm của ngư dân cũng như neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân. Ban quản lý các cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), Lạch Hới (TP Sầm Sơn) và Lạch Bạng (Tĩnh Gia) đang tích cực tuyên truyền, phổ biến nội quy, quy chế quản lý tàu cá và khu neo đậu tránh trú bão cho các chủ tàu thuyền và tháo dỡ các trường hợp vi phạm. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển thực hiện hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh; xử lý dứt điểm tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất đai để làm cầu tàu, cầu đá, cầu dầu, tập kết đất, đá... và xây dựng các công trình trái phép trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành quy chế quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Điều độ, sắp xếp tàu thuyền neo đậu, ra vào bốc dỡ hàng hóa bảo đảm an toàn và tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá; chấp hành đầy đủ công tác kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến và cập bến; công tác phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.