Tăng đại biểu chuyên trách cần đi đôi với việc tăng chất lượng hoạt động
Chiều 9-6, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Trước đó, tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Do còn nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu nên Đoàn Chủ tịch đã đề nghị Quốc hội bổ sung thời gian thảo luận về dự án luật này trong đợt 2 của kỳ họp.
Qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa nghị quyết của Đảng và trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp để có thể thực hiện được ngay, bảo đảm tính ổn định của Luật và của công tác cán bộ, tổ chức bộ máy nhà nước.
Quan tâm đến tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhấn mạnh, với vai trò của Quốc hội thì các đại biểu Quốc hội cần có am hiểu tương đối toàn diện các lĩnh vực về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; đồng thời có khả năng phân tích tổng hợp, tư duy phản biện, có kỹ năng diễn đạt và biểu đạt ý kiến... Do đó, cần phải có tiêu chuẩn cụ thể và đây là điều quan trọng để bầu cử đại biểu Quốc hội.
Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) khẳng định, vấn đề bổ sung thêm tiêu chuẩn riêng cho đại biểu Quốc hội là không cần thiết. Đại biểu nêu quan điểm, xuất phát từ quy định của Hiến pháp về bản chất của nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc và nhân dân. Với bản chất đó, Hiến pháp đã quy định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Như vậy, Quốc hội phải có đại biểu đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân, trong đó có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức. Không những vậy, còn có đại diện cho các dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số...
Cho rằng việc tăng cường năng lực cho đại biểu Quốc hội là tất yếu song đại biểu tỉnh Đắk Lắk nêu rõ, Luật Tổ chức Quốc hội đã có những quy định chung về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có đặc thù là có cả đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm, các đại biểu giữ các chức vụ lãnh đạo khác nhau thì từng vị trí đã có quy định tiêu chuẩn riêng ở trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, đại biểu cho rằng không cần thiết bổ sung thêm tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội.
Đáng chú ý, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, việc quy định trong dự thảo Luật tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, từ đó, tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do đó, dự thảo Luật chỉnh lý Khoản 2, Điều 23 theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu đề xuất và thực hiện các giải pháp phù hợp để bảo đảm bầu và bố trí đủ số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách như quy định của Luật.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, đây là nội dung đổi mới cần thiết để các đại biểu Quốc hội có đủ điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Nhấn mạnh hoạt động của đại biểu chuyên trách vô cùng quan trọng, đại biểu đề xuất triển khai ngay quy định này trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Còn đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) thì đề nghị cần tăng đại biểu chuyên trách cho các địa phương với ít nhất 2 đại biểu, trong đó 1 đại biểu lãnh đạo đoàn và 1 đại biểu chuyên trách. Bởi lẽ, theo đại biểu, việc tăng như vậy sẽ bảo đảm tính kế thừa tính liên tục, đặc biệt là đáp ứng cho yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ. Nhiều địa phương vừa rồi chỉ có 1 đại biểu chuyên trách nên rất khó trong hoạt động, đặc biệt là ở lĩnh vực giám sát...
Tuy nhiên, tuy cho rằng chủ trương tăng đại biểu chuyên trách là đúng, song đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lại lưu ý việc tăng đại biểu chuyên trách cần đi đôi với việc tăng chất lượng hoạt động của đại biểu; nếu không đồng bộ hai yếu tố này thì sẽ rất lãng phí đầu tư cho hoạt động của đại biểu.