Tăng đầu tư cho lưới điện quốc gia

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), đợt thiếu điện đầu hè vừa qua đã làm giảm 0,3%GDP của Việt Nam, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD bị mất đi. Việc thiếu điện cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư, bất lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.

Miền Bắc đang có nhu cầu điện tăng nhanh hơn cả nước và đang gặp vấn đề mất cân đối nguồn cung điện do phụ thuộc chủ yếu vào thủy điện, điện than. Miền Nam và miền Trung đang có nhiều nhà máy điện, bảo đảm nguồn cung điện tốt hơn, nhưng không chi viện đủ cho miền Bắc, mà một trong những nguyên nhân là do hạ tầng truyền tải điện Bắc-Nam không đủ đáp ứng nhu cầu.

Theo WB, nếu hệ thống truyền tải điện không được tập trung đầu tư hơn nữa thì đây sẽ là điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam.

 Ảnh minh họa: VGP

Ảnh minh họa: VGP

Trong mấy năm qua, rất nhiều nhà máy điện được xây dựng đa dạng, từ thủy điện, nhiệt điện đến điện gió, điện mặt trời... Nhưng hệ thống truyền tải điện đang không theo kịp tốc độ phát triển của các nhà máy điện. Nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được huy động, trong đó có nguyên nhân từ việc chưa có đường dây truyền tải điện, gây lãng phí tài nguyên năng lượng.

Có một thực tế cần suy nghĩ là đường dây truyền tải điện 500kV Bắc-Nam mạch 1 được hoàn thành vào năm 1994. 11 năm sau, tức là năm 2005, đường dây 500kV Bắc- Nam mạch 2 được hoàn thành. Thế mà đã 18 năm kể từ khi mạch 2 được hoàn thành tới nay, đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 3 vẫn còn dang dở. Như thế là quá chậm so với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn vừa qua.

Có thể hình dung đường dây truyền tải 500kV Bắc-Nam như đường cao tốc trong lĩnh vực năng lượng phục vụ phát triển kinh tế. Hiện nay, với quyết tâm cao, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang được đẩy nhanh tiến độ thi công cũng với mục đích đáp ứng nhu cầu tăng tốc của nền kinh tế. Thế nhưng, việc phát triển hệ thống truyền tải điện thì lại chưa tương xứng với nhu cầu.

Theo phương án mà Bộ Công Thương mới trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII thì vốn đầu tư cho điện giai đoạn 2021-2025 là 57,1 tỷ USD, trong đó, nguồn điện 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải 9 tỷ USD. Vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD, trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD. Như vậy, vốn đầu tư cho lưới truyền tải điện dự kiến thấp hơn nhiều so với vốn đầu tư cho nguồn điện. Liệu với tỷ lệ vốn đầu tư như trên đã đủ để giải quyết nút thắt cổ chai là ở hệ thống truyền tải điện hay chưa?

Cơ chế, chính sách để thu hút vốn đầu tư xã hội cho việc xây dựng hệ thống truyền tải hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn. Vì thế, cùng với việc cần xây dựng cơ chế, chính sách đủ thu hút nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực truyền tải điện thì nên dành thêm nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực truyền tải điện.

Doanh nghiệp tư nhân khá hào hứng trong việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện mới, còn việc xây dựng hệ thống truyền tải họ chưa mặn mà thì Nhà nước nên tăng cường đầu tư. Như vậy cũng đúng với định hướng là doanh nghiệp nhà nước hay vốn nhà nước hướng vào những lĩnh vực mà tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm.

Một nền kinh tế muốn phát triển được thì phải rất coi trọng tính kết nối. Do đó, tăng đầu tư cho hạ tầng truyền tải điện quốc gia để tăng tính kết nối trong lĩnh vực năng lượng cần phải được quan tâm hơn nữa.

HỒ QUANG PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tang-dau-tu-cho-luoi-dien-quoc-gia-738563