Tăng đầu tư, nâng chất lượng giáo dục

Năm học mới 2022-2023 bắt đầu. Đây cũng là năm học sẽ có nhiều thay đổi trong chương trình dạy và học ở một số khối lớp. Do đó, huyện biên giới Bù Đốp đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất và các phương án để sẵn sàng đón hàng ngàn học sinh tựu trường.

Nhiều phòng học mới đưa vào sử dụng

Mặc dù là huyện biên giới còn nhiều khó khăn nhưng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ngành giáo dục luôn được lãnh đạo huyện Bù Đốp quan tâm đầu tư, đặc biệt là công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới 214 phòng học, 161 phòng chức năng, các phòng học cấp 4 xuống cấp cơ bản đã được thay thế. Hiện nay, Bù Đốp có 9/22 trường đạt chuẩn quốc gia, năm 2022 sẽ có thêm 2 đơn vị trường được công nhận đạt chuẩn.

Tại điểm trường ấp 6, Trường TH&THCS Thanh Hòa, các thợ thi công cũng đang gấp rút hoàn thành giai đoạn cuối để bàn giao công trình kịp khai giảng năm học mới

Tại điểm trường ấp 6, Trường TH&THCS Thanh Hòa, các thợ thi công cũng đang gấp rút hoàn thành giai đoạn cuối để bàn giao công trình kịp khai giảng năm học mới

Trong năm học mới 2022-2023, huyện Bù Đốp đã đầu tư và đưa vào sử dụng hơn 70 phòng học, phòng chức năng mới cùng nhiều trang thiết bị phục vụ dạy và học. Trong đó, Trường mầm non Hưng Phước là một trong những công trình được đầu tư xây dựng trọng điểm với 12 phòng học và 10 phòng chức năng cùng các hạng mục nhà bếp, khu vui chơi, sân trường, với tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Công trình vừa được nhà thầu bàn giao cho nhà trường. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị từ làm đồ chơi, sắp xếp bàn ghế, trang trí đến phân công giáo viên chủ nhiệm lớp… đã được cán bộ, giáo viên nhà trường chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng đón khoảng 230 trẻ tựu trường.

Cô Lê Thị Yến, Hiệu trưởng Trường mầm non Hưng Phước cho biết: Cán bộ, giáo viên nhà trường rất phấn khởi vì năm học này được làm việc, dạy học trong ngôi trường được đầu tư xây dựng mới khang trang. Đến thời điểm này, Ban giám hiệu nhà trường cũng như giáo viên đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón trẻ đến trường. Mọi hoạt động cũng như cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học và môi trường đã được đảm bảo.

Cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị năm học mới tại Trường mầm non Thanh Bình, thị trấn Thanh Bình

Cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị năm học mới tại Trường mầm non Thanh Bình, thị trấn Thanh Bình

Tương tự, điểm lẻ Trường TH&THCS Thanh Hòa (ấp 6, xã Thanh Hòa) được huyện Bù Đốp đầu tư xây dựng mới 10 phòng học, tường rào, sân trường, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Hiện nhà thầu đang gấp rút thi công giai đoạn cuối để kịp bàn giao cho nhà trường chuẩn bị đón khoảng 220 học sinh tiểu học tựu trường trong năm học 2022-2023.

Phó hiệu trưởng Trường TH&THCS Thanh Hòa Lê Thanh Long chia sẻ: Đến thời điểm này, từ hồ sơ học sinh đến phân công giáo viên bộ môn ở trường cũng như các điểm trường lẻ đã hoàn tất. Riêng ở điểm trường ấp 6, trong vài ngày tới nhà thầu sẽ bàn giao cho trường. Chúng tôi sẽ bố trí, phân công giáo viên cùng các em học sinh tổ chức lao động, dọn vệ sinh để kịp khai giảng năm học mới.

 Cán bộ, giáo viên Trường mầm non Hưng Phước trang trí hoa văn, làm đồ chơi phục vụ dạy và học sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới

Cán bộ, giáo viên Trường mầm non Hưng Phước trang trí hoa văn, làm đồ chơi phục vụ dạy và học sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới

Bên cạnh tập trung đầu tư xây dựng mới các điểm trường, phòng học để dần thay thế hoàn toàn các phòng học cấp 4 xuống cấp, năm học mới này, huyện cũng đã triển khai tu sửa 12 phòng học lầu, sửa 2 trường mầm non, xây dựng hàng rào, nhà vệ sinh ở các điểm lẻ. Đặc biệt, huyện Bù Đốp đã đầu tư 10 tỷ đồng mua trang thiết bị bổ sung cho các trường từ bậc mầm non đến THCS trên địa bàn huyện để đảm bảo công tác dạy và học theo chương trình giáo dục mới.

Bên cạnh những mặt thuận lợi thì trong năm học mới 2022-2023, ngành giáo dục huyện Bù Đốp cũng gặp một số khó khăn. Ngành đã đề ra các phương án tham mưu lãnh đạo huyện để khắc phục khó khăn, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất tham mưu lãnh đạo huyện bổ sung giáo viên còn thiếu và đầu tư trang thiết bị để phục vụ công tác dạy và học.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp, Trần Đình Trọng

Ông Trần Đình Trọng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp chia sẻ: Điều kiện kinh tế - xã hội Bù Đốp còn nhiều khó khăn, song công tác đầu tư cho ngành giáo dục luôn được lãnh đạo huyện quan tâm. Đó là điều kiện thuận lợi, động lực để ngành giáo dục luôn hoàn thành tốt công tác chuyên môn.

Khắc phục khó khăn, chuẩn bị tựu trường

Bên cạnh được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác dạy và học, trong năm học mới này, ngành giáo dục huyện Bù Đốp cũng đối diện không ít khó khăn.

Như một số địa phương khác trong tỉnh, huyện Bù Đốp vẫn thiếu giáo viên đứng lớp. Theo rà soát của Phòng GD&ĐT huyện, năm học 2022-2023 huyện thiếu 28 giáo viên tiểu học. Bên cạnh đó, năm học mới này, ngành giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Do đó, việc thiếu giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới càng trở nên khó khăn hơn, nhất là giáo viên môn tiếng Anh và Tin học. Ngoài ra, thiết bị phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 đến nay vẫn chưa được phân bổ hết.
Trước những khó khăn đó, Phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp đã chủ động rà soát lại đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh và Tin học để tăng cường điều tiết giữa các trường. Trong lúc chờ cấp trang thiết bị phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường sẽ chủ động khai thác cơ sở dữ liệu, thư viện điện tử, thiết bị ảo phục vụ công tác dạy học...

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/136456/tang-dau-tu-nang-chat-luong-giao-duc