Tăng giá trị sản xuất từ nông nghiệp công nghệ cao

Hiện tỉnh Kon Tum có khoảng 17.000 ha cây trồng được ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cũng như xây dựng thành công thương hiệu cho một số loại nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ đó, giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum được nâng lên khi tiết giảm được chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra.

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) mang lại hiệu quả cao về năng suất và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh tư liệu: Khoa Chương/TTXVN

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) mang lại hiệu quả cao về năng suất và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh tư liệu: Khoa Chương/TTXVN

Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar tại xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà có 13 thành viên góp vốn và 99 thành viên liên kết, với chuyên ngành trồng, chăm sóc, chế biến cà phê theo chuỗi giá trị cao. Hợp tác xã hiện có 600 ha cà phê; trong đó, có 250 ha đạt tiêu chuẩn 4C.

Ông Phạm Xuân Bé, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar cho biết, hoạt động của đơn vị chủ yếu theo chuỗi giá trị của các thành viên; trong đó, 4 kỹ thuật viên chuyên hướng dẫn người dân sản xuất theo chuỗi giá trị công nghệ cao. Hợp tác xã cũng ứng dụng công nghệ cao làm cà phê sạch, không cho phép dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm; sử dụng hệ thống béc phun nước, một số hộ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước trong mùa hạn. Nhờ đó, giữ được nước và tưới đầy đủ nhiều lần cho cà phê, năng suất và chất lượng cà phê được nâng lên.

“Năm 2024, trung bình mỗi ha cà phê của hợp tác xã đã đạt 19 – 20 tấn cà phê tươi, trong khi năm 2023 chỉ đạt 15 – 16 tấn cà phê tươi. Ngoài ra, chi phí cũng giảm từ 10 – 20 triệu đồng/ha. Dự kiến đến năm 2025, hợp tác xã sẽ chuyển đổi nốt hơn 300 ha và sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, tạo ra sản phẩm cà phê bột và cà phê hạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và được thị trường đón nhận”, ông Phạm Xuân Bé chia sẻ.

Ông Đặng Thế Quyết, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, vùng sản xuất cà phê Đăk Hà hiện có 1.939 ha của 6 đơn vị, doanh nghiệp và các hộ cá nhân. Bên cạnh việc sử dụng các giống mới vào sản xuất, các đơn vị, doanh nghiệp, hộ cá nhân này đang áp dụng trong quá trình chăm sóc vườn cây, định hướng sản xuất hữu cơ. Tại các diện tích nông nghiệp công nghệ cao sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm theo công nghệ Israel; sử dụng hệ thống máy móc, máy bay không người lái vào việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra độ ẩm của vườn cây;…

“Ngành nông nghiệp huyện cũng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trồng, chế biến liên kết với các doanh nghiệp thu mua. Đặc biệt, phối hợp với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu tổ chức tập huấn và sản xuất cà phê công nghệ cao theo tiêu chuẩn 4C với diện tích 568 ha, chủ yếu ở các xã Đăk Mar, Hà Mòn, Đăk Hring. Đối với thương hiệu, cà phê Đăk Hà đã được cấp chỉ dẫn địa lý và bảo hộ sản xuất”, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà nói.

Trong khi đó, vùng sản xuất rau, củ, quả Măng Đen - Kon Plông có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 266 ha; trong đó, diện tích nhà màng, nhà kính là 33,4 ha, diện tích áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương 205 ha. Tại đây hiện có 21 doanh nghiệp, một hợp tác xã, 3 trang trại, 25 hộ cá thể sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bà Phan Thị Mai Hương, chủ vườn Hương Nguyên Garden tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho hay, vườn có diện tích 0,5 ha trồng các loại nông sản như cà chua bi, dưa leo bao tử, dưa hấu táo, ớt trái cây... Toàn bộ diện tích trên được trồng trong nhà kính, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao như tưới tiết kiệm, tưới nước hẹn giờ vào sản xuất

“Việc ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí nhân công, hạn chế được các loại sâu bệnh, không sử dụng các chất hóa học và phân bón hóa học, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ như đạm cá, dịch chuối, kết hợp cùng với humic, mùn mía, trấu khô. Nhờ đó, năng suất của các loại nông sản cũng tăng lên, giá thành cao hơn gấp 2 lần so với trồng bên ngoài”, bà Hương chia sẻ.

Bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đánh giá, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đã và đang mang lại những giá trị kinh tế to lớn cho người dân cũng như các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Kết quả của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua rõ nét nhất trong vấn đề chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ sang sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, đặc biệt ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, dược liệu và chế biến nông, lâm sản.

“Tỉnh Kon Tum đã xây dựng các đề án phát triển cho từng loại cây trồng như cây ăn quả, cây cà phê, rau hóa xứ lạnh… Theo đó, tỉnh luôn chú trọng đến việc chuyển dịch sản xuất sang hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các địa phương hình thành các vùng sản xuất tập trung và dần dần mở rộng quy mô, cải thiện chất lượng của các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, tập trung xây dựng vùng sản xuất đảm bảo về chất lượng, cấp mã số vùng trồng để các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum khẳng định.

Trong trồng trọt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và được công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 17.000 ha, ngoài ra có trên 30 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản chế biến sâu; trong đó, đã công nhận 1 doanh nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh cũng tăng theo từng năm. Nếu như năm 2021, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 17,16%; thì đã tăng lên 19,4% vào năm 2022 và 24,61% vào năm 2023.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư đối với các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2021 đến nay, đã thu hút 20 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 3.550 tỷ đồng. Một số dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như dự án xây dựng khu sản xuất giống cây trồng, các dự án xây dựng khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có một số dự án với quy mô tương đối lớn, các dự án xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến…

Dư Toán (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tang-gia-tri-san-xuat-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-20240924075157391.htm