Tăng hiệu quả của tuyến dưới

Mô hình bệnh tật thay đổi, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng nhưng năng lực y tế tuyến dưới chưa đáp ứng kịp thời, dẫn đến quá tải ở tuyến trên. Điều đó đòi hỏi những giải pháp, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, mô hình tổ chức... để giúp tuyến dưới hoạt động hiệu quả hơn.

Bác sĩ CK1 Nguyễn Chiến Quyết khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Bắc Hà, Lào Cai.

Mạng lưới y tế cơ sở đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ. Trong đó, khó khăn lớn nhất là mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực. Đóng vai trò “người gác cổng” nhưng phần lớn trạm y tế tuyến xã mới chỉ làm được công tác y tế dự phòng, chưa thực hiện đầy đủ chức năng của tuyến cơ sở. Ngoài ra, trình độ nhân viên trạm y tế còn hạn chế, danh mục thuốc, kỹ thuật ít... khiến người dân chưa thật sự tin tưởng đến trạm y tế khi ốm đau và thường vượt tuyến trên để khám, chữa bệnh... Hệ thống y tế tại các vùng khó khăn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt yếu kém về nhân lực làm cho năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu hạn chế. Một số nghiên cứu cho thấy trang thiết bị y tế tại các bệnh viện huyện (theo danh mục đã được Bộ Y tế ban hành) nhiều nơi mới đạt từ 30 đến 50%, thậm chí có huyện chỉ đạt 20%; trình độ của nhân lực y tế chưa đủ để khai thác hết các tính năng trang thiết bị hiện có. Trong khi đó, các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, béo phì) và tai nạn thương tích nằm trong số những bệnh gia tăng nhanh chóng và dần trở thành phổ biến trong cộng đồng. Việc chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, chấn thương lại vượt quá năng lực của cán bộ trạm y tế xã.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả cần bảo đảm các yếu tố: tính toàn diện (từ tuyên truyền giáo dục sức khỏe đến cung cấp các dịch vụ phòng bệnh, điều trị, phục hồi chức năng, khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe); tính lồng ghép (trong cung ứng dịch vụ y tế giữa các thầy thuốc của y tế cơ sở và giữa các tuyến điều trị); tính liên tục (có sự trao đổi thông tin giữa người bệnh và thầy thuốc, sự tiếp tục theo dõi điều trị sau khi được ra viện ở tuyến trên).

Nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến dưới, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Liên hiệp châu Âu, Bộ Y tế triển khai dự án Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET). Dự án tập trung vào các hoạt động: Cải thiện chất lượng giáo dục nhân lực y tế bậc đại học, cao đẳng thông qua đổi mới tiếp cận dạy và học dựa trên năng lực và cải thiện hệ thống; nâng cao năng lực quản lý y tế và quản lý, sử dụng nhân lực y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua đào tạo, bổ sung các điều kiện và năng lực cần thiết, đồng bộ cho đội ngũ cán bộ huyện và xã. Đến nay, sau 5 năm triển khai, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đã hoàn thiện các mô-đun tích hợp, lồng ghép dựa trên năng lực cho sinh viên năm thứ nhất và đã chính thức đưa vào giảng dạy chương trình mới từ năm 2018. Giảng viên các trường được nâng cao năng lực giảng dạy, tạo ra năng lực thực hành nghề nghiệp; chương trình đào tạo lồng ghép, bảo đảm năng lực thực hành nghề nghiệp của đội ngũ nhân lực sau khi ra trường… Đây được coi là một cuộc cách mạng trong đào tạo nhân lực y tế tại Việt Nam.

Do chất lượng đội ngũ tuyến dưới còn nhiều hạn chế cho nên dự án tập trung đào tạo, bổ sung các điều kiện và năng lực cần thiết. Các chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên việc đánh giá nhu cầu thực tế, lấp khoảng trống trong kiến thức, thái độ và kỹ năng thực hành lâm sàng cho các cán bộ tuyến xã với cách tiếp cận theo nguyên lý y học gia đình (chăm sóc toàn diện, liên tục), hướng tới dự phòng cho cộng đồng. Năm chương trình đào tạo liên tục theo nguyên lý y học gia đình cho các đối tượng đang công tác tại trạm y tế xã (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ dược) đã được áp dụng. Theo đánh giá ban đầu, kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp không những được tăng lên mà thái độ, hành vi trong công tác và ứng xử với người bệnh và sự phối hợp giữa các thành viên trong đội chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế xã cũng tăng lên rõ rệt.

Một giải pháp được Bộ Y tế triển khai đem lại hiệu quả thiết thực là dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Hàng chục khóa bác sĩ chuyên khoa cấp một liên tục được tổ chức tại các trường đại học: Y Hà Nội, Y dược Huế, Y dược Hải Phòng cho gần 400 bác sĩ, thuộc 11 chuyên khoa (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Truyền nhiễm và Răng hàm mặt). Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này được thực hiện liên tục trong 24 tháng, theo hướng “cầm tay chỉ việc” chú trọng thực hành tay nghề (chiếm 70% đơn vị học trình). Kết thúc khóa học, có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm có thể “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Theo khảo sát, đánh giá, bác sĩ sau khi tốt nghiệp lên các huyện vùng cao công tác đang phát huy rất tốt, có người thực hiện được 50 thậm chí 70 kỹ thuật, đảm nhận 50% đến 60% công việc chuyên môn. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật và tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại nơi về công tác, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến.

P.V (Theo Nhân dân)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/172554/tang-hieu-qua-cua-tuyen-duoi