Tăng liên kết để thúc đẩy khuyến công

Thời gian qua, các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã quan tâm đầu tư cho công tác khuyến công song hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh vốn khuyến công thực hiện 7 tháng mới đạt hơn 28%, để cụ thể hóa mục tiêu hoàn thành 100% đề án khuyến công được giao trong năm đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các địa phương.

Hồi phục sau dịch nhờ vốn khuyến công
Thống nhất sắp xếp tổ chức trung tâm khuyến công

Một trong những hạn chế của công tác khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên là thiếu sự liên kết giữa các địa phương. Liên kết được xác định là giải pháp quan trọng, làm tiền đề cho bước phát triển mới của công tác khuyến công thời gian tới.

Mới giải ngân hơn 28% kế hoạch

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Theo Cục Công thương địa phương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 là 72,8 tỷ đồng, cao hơn 42,11% so với kế hoạch năm 2021; trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là trên 29,2 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương là gần 43,6 tỷ đồng.

Tính chung 7 tháng đầu năm nay, kinh phí toàn vùng đã thực hiện 20,7 tỷ đồng, đạt 28,44% kế hoạch năm; trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia đã triển khai thực hiện 3,54 tỷ đồng, đạt 12,11% kế hoạch năm, còn lại là kinh phí khuyến công địa phương.

Nguồn kinh phí khuyến công tập trung vào 6 nội dung chính. Theo đó, vốn phân bổ nhiều nhất cho hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn.

Cụ thể, trong 7 tháng qua, vốn khuyến công đã hỗ trợ 100 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ 1 cơ sở công nghiệp nông thôn đánh giá sản xuất sạch hơn… với tổng kinh phí thực hiện là 13,76 tỷ đồng, đạt 29,13% kế hoạch năm.

Tiếp đến, 4,78 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công, đạt 46,01% kế hoạch, với các hoạt động như: tổ chức đoàn trao đổi học tập kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ khuyến công; xây dựng hệ thống mạng lưới cộng tác viên; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án.

Bên cạnh đó, nguồn vốn khuyến công hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn với 34 lượt cơ sở tham gia hội chợ triển lãm, hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm tiêu biểu cho 229 lượt cơ sở, hỗ trợ đăng ký và xây dựng thương hiệu 3 cơ sở; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng thông qua hoạt động đào tạo nâng cao năng lực theo nhu cầu của nhiều doanh nghiệp như kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao kỹ năng tiếp cận các mạng lưới phân phối sản phẩm...

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song công tác khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch thường xuyên chậm so với quy định. Các địa phương chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh. Công tác kiểm tra, phối hợp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện tại một số địa phương chưa theo sát thực tế, diễn biến tình hình; thiếu tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với vùng khác. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí nhiều ngân sách cho hoạt động khuyến công…

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Công thương Địa phương Ngô Quang Trung và các đai biểu tham quan các gian hàng tại hội chợ triển lãm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Trung - Tây Nguyên 2022

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Công thương Địa phương Ngô Quang Trung và các đai biểu tham quan các gian hàng tại hội chợ triển lãm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Trung - Tây Nguyên 2022

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về khuyến công

Mặc dù vậy, các tỉnh trong vùng vẫn phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% các đề án khuyến công đã được giao năm 2022; bảo đảm xây dựng, đăng ký các đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia năm 2023 đúng thời hạn, có chất lượng; tập trung xây dựng các đề án nhóm, phấn đấu xây dựng được đề án điểm…

Để hoàn thành các mục tiêu trên đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các địa phương. Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương cho rằng, các địa phương trong vùng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản về khuyến công của địa phương; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công áp dụng tại địa phương.

Về kinh phí, các Sở Công thương cần tham mưu UBND cấp tỉnh tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn; có sự hài hòa giữa ngân sách địa phương và Trung ương trong hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Một giải pháp quan trọng nữa là cần tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công; coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, làm tiền đề cho bước phát triển mới trong những năm tiếp theo. Hoạt động liên kết không chỉ là hỗ trợ đầu tư máy móc sản xuất mà còn hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung nhấn mạnh.

Ngoài ra, các tỉnh cần tiếp tục tập trung hỗ trợ nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng; nâng cao năng lực tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn của các tổ chức dịch vụ công, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn.

Song song với đó, cần tập trung rà soát nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; định hướng hoạt động khuyến công hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm, đề án hỗ trợ cơ sở có sản phẩm tiêu biểu đạt cấp khu vực, cấp quốc gia bảo đảm có sự liên kết, có tác động lan tỏa, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương.

Đại diện Sở Công thương Ninh Thuận kiến nghị, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công và hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện các hoạt động khuyến công, từng bước hoàn thiện quy trình thực hiện hồ sơ từng đề án.

Anh Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/tang-lien-ket-de-thuc-day-khuyen-cong-i300357/