Tăng lương cơ sở từ 1/7, nhiều khoản phụ cấp được điều chỉnh
Tiền lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (hiện là 1,49 triệu đồng) tương đương tăng 20,8% từ ngày 1/7 tới.
Tăng lương cơ sở thì những loại phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là phụ cấp khu vực có tăng và tăng như thế nào, cách tính ra sao?
Tăng 9 khoản phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức
Theo đó, các loại phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng được điều chỉnh phù hợp với mức lương cơ sở mới. Cụ thể:
Phụ cấp thâm niên vượt khung: Áp dụng đối với các đối tượng xếp lương theo bảng 2, bảng 3, bảng 4 và bảng 7 quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 204/2004/NĐ-CP và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành tòa án, ngành kiểm sát quy định tại Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11, đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh.
Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo: Áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.
Mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo cũng chỉ hưởng một mức phụ cấp.
Phụ cấp khu vực: Áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu. Phụ cấp gồm 7 mức là mức 0,1, mức 0,2, mức 0,3, mức 0,4, mức 0,5, mức 0,7 và 1,0 so với mức lương cơ sở.
Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng vũ trang, phụ cấp khu vực được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì.
Phụ cấp đặc biệt: Áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.
Phụ cấp gồm 3 mức là 30%, 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.
Phụ cấp thu hút: Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Phụ cấp gồm 4 mức là 20%, 30%, 50% và 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian hưởng phụ cấp từ 3 đến 5 năm.
Phụ cấp lưu động: Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở. Phụ cấp gồm 3 mức là 0,2, mức 0,4 và 0,6 so với mức lương cơ sở.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm: Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương. Phụ cấp gồm 4 mức 0,1, mức 0,2, mức 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở. Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc.
Phụ cấp thâm niên nghề: Áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: Hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm.
Mức phụ cấp sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.
Phụ cấp ưu đãi theo nghề: Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương. Phụ cấp gồm 10 mức 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)…
Cách tính mức lương, phụ cấp khi tăng lương cơ sở
Cách tính mức lương, phụ cấp và hoạt động phí áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đó là:
Mức lương thực hiện từ ngày 1/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số lương hiện hưởng.
Về công thức tính mức phụ cấp, theo dự thảo Thông tư, đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở:
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 1/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp hiện hưởng.
Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có):
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 1/7/2023 = (Mức lương thực hiện từ ngày 1/7/2023 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ ngày 1/7/2023 (nếu có) + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 1/7/2023 (nếu có)) x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.
Đối với các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Công thức tính mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có):
Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 1/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có).
Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư Hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và hội: Căn cứ vào hệ số hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật hiện hành để tính mức hoạt động phí theo công thức sau:
Mức hoạt động phí thực hiện từ ngày 1/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số hoạt động phí theo quy định.