Tăng mức phạt, tăng sức răn đe

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, thời gian qua tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế. Kết quả này đã đóng góp quan trọng vào công tác bảo đảm trật tự ATGT trên cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng.

Công an huyện Lâm Thao tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh Trường THCS Tiên Kiên. Ảnh: Thanh Nga

Công an huyện Lâm Thao tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh Trường THCS Tiên Kiên. Ảnh: Thanh Nga

Tuy nhiên, nhìn tổng thể tình hình trật tự ATGT hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra như: Hạ tầng giao thông phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu; số phương tiện lưu thông tăng nhanh hàng năm; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao... Điều này dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến, ùn tắc giao thông, TNGT còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân do lỗi chủ quan của người lái xe (vi phạm nồng độ cồn, phóng nhanh vượt ẩu...); tai nạn liên quan đến độ tuổi học sinh còn xảy ra... Vì vậy, việc tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi trực tiếp gây nguy cơ dẫn đến TNGT là giải pháp cần thiết để tăng sức răn đe.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT, kiềm chế TNGT, nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đang tham mưu xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT đường bộ.

Theo đó, dự kiến điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc và một số nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách đánh võng; một số nhóm hành vi không chấp hành các quy định về sở hữu phương tiện; gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che biển số; đua xe trái phép... Đây là những hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất ATGT cao.

Theo Dự thảo Nghị định, mức phạt cho các hành vi nói trên đều tăng cao, nhiều hành vi mức phạt tăng gấp 10 lần, đặc biệt một số hành vi, mức phạt tăng lên đến 30 lần so với mức phạt hiện nay. Điển hình như hành vi vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn gây ảnh hưởng đến TTATGT, mức phạt cũ từ 600 đến 800 nghìn đồng, dự kiến mức phạt mới từ 18 triệu đồng đến 22 triệu đồng; mức phạt đối với hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường cũng tăng rất cao, lên tới 12 lần so với mức cũ (mức phạt cũ từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới từ 48 triệu đồng đến 52 triệu đồng).

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, hành vi này vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông, có thể gây ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nên cần tăng mức xử phạt để răn đe, ngăn chặn. Dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với tài xế ô tô lùi xe trên đường một chiều, đường có biển cấm đi ngược chiều...

Nếu như trước đây phạt tiền với hành vi này là từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng thì mức mới sẽ đề xuất tăng lên từ 9 triệu đến 11 triệu đồng. Tương tự, tài xế điều khiển ô tô đi vào khu vực cấm, đường cấm thì sẽ bị phạt từ 4 triệu đến 6 triệu đồng, thay vì 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng như quy định hiện hành.

Các hành vi như dừng, đỗ, quay đầu xe gây ùn tắc giao thông; quay đầu xe trong hầm đường bộ hoặc vượt không đúng quy định sẽ bị phạt từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng, thay vì phạt 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Hành vi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông được đề xuất tăng từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng lên 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Đáng chú ý, hành vi điều khiển ô tô không gắn đủ biển số, che biển số, gắn biển số giả sẽ bị phạt từ 48 triệu đồng đến 52 triệu đồng, gấp hơn 4 lần so với mức phạt hiện hành. Với hành vi lạng lách, đánh võng nếu tái phạm thì sẽ tịch thu phương tiện hay giao xe máy cho người không đủ tuổi điều khiển thì sẽ bị phạt từ 8 triệu đến 10 triệu đồng thay vì mức dưới 1 triệu đồng như hiện nay.

Ô tô vi phạm tín hiệu đèn (vượt đèn đỏ) dự kiến mức phạt mới từ 9 triệu đồng đến 11 triệu đồng (mức phạt cũ từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng); mô tô vượt đèn đỏ (mức phạt cũ cũ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, dự kiến phạt mới từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng); giao xe mô tô cho người không đủ điều kiện dự kiến mức phạt mới từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng (mức phạt cũ từ 600 đến 800 nghìn đồng); giao xe ô tô cho người không đủ điều kiện (mức phạt cũ từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới từ 28 triệu đồng đến 30 triệu đồng).

Công an huyện Đoan Hùng xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Huy Thắng

Công an huyện Đoan Hùng xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Huy Thắng

Dự thảo Nghị định còn đề xuất xử lý mạnh tay đối với các hành vi đua xe trái phép. Những cá nhân tụ tập cổ vũ, xúi giục, giúp sức cho hành vi đua xe trái phép sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Đối với hành vi tổ chức đua xe trái phép, mức phạt sẽ từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức...

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là quy định xử lý nghiêm các trường hợp lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 miligam/100 mililit hoặc trong khí thở vượt quá 0,4 miligam/lít, người lái xe sẽ bị phạt tiền và trừ toàn bộ 12 điểm giấy phép lái xe. Ngoài ra, hành vi từ chối kiểm tra nồng độ cồn cũng sẽ bị xử lý tương tự.

Dự thảo Nghị định mới của Bộ Công an cho thấy sự cương quyết trong việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông. Nếu được thông qua, việc tăng mức xử phạt sẽ tăng sức răn đe tương xứng. Từ đó, nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện, xây dựng môi trường văn hóa giao thông bình đẳng, văn minh góp phần ngăn ngừa việc tái diễn những vi phạm ATGT tương tự, giúp người dân chú ý hơn đến việc tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông.

Dẫu vậy, ý kiến của nhiều người dân cho rằng, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cùng với tăng mức xử phạt, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cần được đẩy mạnh hơn nữa, thực hiện thường xuyên, liên tục, để vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm trên đường, vừa không bỏ sót, bỏ lọt người vi phạm.

Cùng với lực lượng thực thi công vụ, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong kiểm tra, giám sát cũng cần được tiếp tục thực hiện quyết liệt. Đơn cử như việc lắp đặt hệ thống camera tự động ghi nhận hình ảnh, làm căn cứ để xử phạt “nguội” cần được nhân rộng, nhất là trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, địa bàn đông dân cư, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc, phức tạp.

Tăng nặng mức xử phạt nhằm phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm ATGT, nhưng để xây dựng môi trường giao thông an toàn, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cũng phải luôn được đề cao và không ngừng đổi mới.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tang-muc-phat-tang-suc-ran-de-221564.htm