Tăng thu nhập từ nuôi cá mú trân châu

Với kỹ thuật nuôi cá mú trân châu 2 giai đoạn, ông Nguyễn Việt Bình, ngụ xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) giảm được rủi ro, nâng tỷ lệ sống của cá và tăng thu nhập.

Cá mú trân châu được xem là đối tượng nuôi mới được nông dân nuôi biển ưa chuộng bởi nhiều ưu điểm nổi trội như lớn nhanh, khả năng chống chịu tốt với sự thay đổi của môi trường và dịch bệnh, có thể nuôi trong ao đất hoặc thả nuôi lồng bè.

Những năm gần đây giống cá mú trân châu được các nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, lai tạo sản xuất được giống ngay tại Việt Nam, nông dân không còn bị động về nguồn cung do nhập hoàn toàn từ nước ngoài về với chi phí đắt đỏ như trước đây.

Cá mú chân trâu có giá trị kinh tế khá cao. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn trong nước, các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Phú Quốc, xuất khẩu sang Campuchia. Thời điểm hút hàng, giá cá trân châu lên đến 270.000-300.000 đồng/kg.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loài cá mú trân châu, thích hợp thả nuôi tại vùng ven biển An Biên, ông Nguyễn Việt Bình tiên phong đưa cá mú thả nuôi trong ao đất. Mô hình này giúp gia đình ông mang về thu nhập lên đến vài tỷ đồng mỗi năm.

Với diện tích đất 20ha, ông Bình thiết kế xây dựng thành nhiều ao, gồm ao trữ nước, ao vèo, ao nuôi thương phẩm. Mỗi ao nuôi thương phẩm có diện tích 5.000m2, thả mật độ 1 con/m2; sau 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng từ 1-1,2kg/con, sản lượng khoảng 5 tấn/ao. Mỗi năm ông Bình xuất bán bình quân trên 50 tấn cá mú trân châu thương phẩm.

Nuôi cá mú trân châu trong ao đất khó kiểm soát dịch bệnh hơn so nuôi theo hình thức thả lồng bè, môi trường nước phát sinh ô nhiễm do lượng thức ăn thường phân hủy, cá dễ mắc bệnh về da do lở loét, tỷ lệ hao hụt cao. Sau thời gian dài đi tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, ông Bình rút ra nhiều kinh nghiệm để giảm rủi ro trong quá trình nuôi.

Ông Nguyễn Việt Bình, ngụ xã Nam Yên, huyện An Biên thành công với mô hình nuôi cá mú trân châu trong ao đất.

Ông Nguyễn Việt Bình, ngụ xã Nam Yên, huyện An Biên thành công với mô hình nuôi cá mú trân châu trong ao đất.

Năm 2021, ông Bình đầu tư nâng cấp, cải tạo lại hệ thống ao nuôi, trong đó xây dựng 10 bồn tròn nổi lót bạt đáy với hệ thống lọc nước tự động, sục khí ô xy hiện đại. Tất cả cá giống được nhập về sẽ được đưa vào hệ thống bồn tròn nổi ương vèo trong hơn 1 tháng. Thời gian này, cá được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.

Ông Bình chia sẻ: “Với cách nuôi truyền thống trước đây, cá giống được thả trực tiếp ra ao nuôi, không qua giai đoạn ương, tỷ lệ sống rất thấp, hao hụt khoảng 60-70% số lượng giống, hiệu quả kinh tế không cao. Với cách nuôi mới, tôi có thể kiểm soát được sự phát triển của cá. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp phối trộn các loại chế phẩm vi sinh, khoáng chất, vitamin giúp tăng cường sức đề kháng, cá sinh trưởng tốt, lớn nhanh. Sau giai đoạn 1 tháng, cá đạt kích cỡ từ 10-12cm sẽ được đưa sang thả nuôi trong ao đất. Tỷ lệ sống của cá đạt trên 90%”.

Không ngừng lại ở khâu nuôi thương phẩm, ông Bình mở rộng thêm dịch vụ ương dưỡng và cung cấp cá giống cho các hộ nuôi cá lồng bè trên địa bàn các huyện Kiên Lương, Kiên Hải, TP. Phú Quốc… với mong muốn chia sẻ, cung cấp nguồn cá giống chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nông dân có thể yên tâm thả nuôi.

Sự thành công từ mô hình nuôi cá mú trân châu trong ao đất của nông dân Nguyễn Việt Bình mở ra triển vọng cho nghề nuôi thủy sản ven biển huyện An Biên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng Miệt Thứ.

Bài và ảnh: THIỆN NHÂN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/tang-thu-nhap-tu-nuoi-ca-mu-tran-chau-13721.html