Tăng tốc hơn nữa những 'chuyến tàu' hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam-Trung Quốc
Việc cải thiện kết nối và mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại giúp kim ngạch hai chiều ngày càng gia tăng, đóng góp thiết thực vào hành trình xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc.
Thúc đẩy kết nối thực chất
Từ đầu năm 2024 đến nay, những chuyến tàu liên tiếp đưa hóa chất, thiết bị máy móc cùng các sản phẩm khác từ Trung Quốc đến ga Yên Viên, Việt Nam; rồi từng hàng xe sầu riêng, mít nối đuôi nhau từ Việt Nam thông quan bước chân vào thị trường Trung Quốc hay Viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội ghi nhận số người tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Trung đạt mức kỷ lục... cho thấy hợp tác Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào thực chất.
Trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và phát huy các lĩnh vực hợp tác thực chất. Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, trong đó thúc đẩy kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “vành đai con đường”, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, hợp tác kinh tế giữa các tỉnh biên giới, tăng cường giao lưu về cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo chứng kiến các Ban, Bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết các văn kiện hợp tác trong chuyến thăm trên các lĩnh vực hợp tác trường đảng, xuất nhập khẩu nông sản, phát thanh truyền hình, nghiệp vụ truyền thông báo chí, y tế, cơ sở hạ tầng, kinh tế thương mại, công nghiệp, ngân hàng...
Theo ông Cố Triều Khánh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng tăng trưởng; hợp tác trên các lĩnh vực như thiết bị máy móc, sản phẩm điện tử cũng ngày càng trở nên mật thiết hơn. Đồng thời, quốc gia tỷ dân đứng đầu về số lượng dự án đầu tư mới tại Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với thị trường Việt Nam. Các dự án này tạo công ăn việc làm cho các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương cùng nhiều địa phương trên đất nước hình chữ S.
Bên cạnh đó, Trung Quốc duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Từ đầu năm 2024 đến nay, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch thương mại song phương trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 145 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh hai nước không ngừng mở rộng lĩnh vực hợp tác cũng như các điểm sáng tăng trưởng liên tiếp xuất hiện, vận tải hàng hóa xuyên biên giới Việt-Trung duy trì ở mức cao. Theo thống kê, tính đến ngày 18/8, tuyến vận tải xuyên biên giới khởi hành từ Quảng Tây vận chuyển tổng cộng 7.850 container, tăng 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại công ty TNHH Logistics Thiết Giải ở Quảng Tây chuyên xuất khẩu các sản phẩm như linh kiện ô tô, tụ điện gốm sang Việt Nam qua tuyến vận tải Việt-Trung, ông Hoàng Hồng Tuấn, quản lý kinh doanh công ty cho biết, tuyến vận tải này tiện lợi, nhanh chóng với chi phí vận chuyển thấp, giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và tạo nhiều cơ hội mở rộng thị trường quốc tế.
Vào cuối tháng 7/2024, tập đoàn công nghệ TCL (Trung Quốc) kỷ niệm 25 năm bước chân ra thế giới và Việt Nam chính là điểm dừng chân đầu tiên trong chiến dịch toàn cầu của ông lớn công nghệ này.
Ông Lý Đông Sinh, người sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn TCL cho biết, trong khi đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam và ASEAN, TCL lên kế hoạch tiếp tục tích hợp nguồn lực tại Việt Nam, xây dựng một trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực có khả năng phục vụ thị trường Đông Nam Á, thậm chí cả thị trường Âu Mỹ.
Kết nối thông minh cùng thu "quả ngọt"
Hiện tại Việt Nam đang vào mùa cao điểm thu hoạch các loại trái cây như mít và sầu riêng. Bà Chu Tiên Hạ, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thắng Hành ở Quảng Tây cho biết, công ty hiện đang nhập khẩu mỗi ngày từ một đến hai container mít cùng hàng chục container sầu riêng Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị.
Cửa khẩu này chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của việc xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc kể từ đầu năm 2024. Đặc biệt, sự xuất hiện của trái cây Việt Nam làm phong phú thêm thị trường tiêu dùng Trung Quốc, trong khi tiềm năng từ thị trường tỷ dân cũng đem lại nhiều lợi ích lớn cho các nhà cung cấp Việt Nam.
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Đằng sau việc “hai bên cùng có lợi” không thể thiếu sự hỗ trợ từ các chính sách kiểm nghiệm, kiểm dịch cùng biện pháp thuận lợi hóa thương mại. Tại cửa khẩu Hữu Nghị, thông qua “Hệ thống quản lý và hỗ trợ kiểm tra thông minh” và phương thức số hóa giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi cho hàng hóa và nâng cao hiệu quả kiểm nghiệm; thông qua “Hệ thống xử lý kiểm dịch thông minh”, quy trình kiểm dịch số hóa và lưu trữ toàn bộ dữ liệu đã thay thế cho thủ tục giấy tờ truyền thống.
Hiện tại, dự án cửa khẩu thông minh Việt Nam-Trung Quốc đang được triển khai toàn diện, thúc đẩy tốc độ phát triển của thương mại và đầu tư song phương. Ông Cao Huy, Phó Chi cục trưởng cửa khẩu Hữu Nghị cho biết, dự án cửa khẩu thông minh dựa trên công nghệ định vị vệ tinh và 5G, tích hợp và điều phối hệ thống vận chuyển container không người lái, thiết bị cẩu tự động, hệ thống kiểm tra container và hệ thống đánh giá hình ảnh thông minh, hướng tới mục tiêu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc được thông quan 24/7.