Tăng tốc thi công, lộ diện hình hài cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông (giai đoạn 2017 -2020) đang được dư luận quan tâm. Khởi công từ tháng 9/2019, dự kiến thông xe cuối năm 2021, dự án nối 2 tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Trị đến hết tháng 4/2021 đã đạt khoảng 40% tiến độ, nhưng đang có dấu hiệu thi công 'ì ạch' vì thiếu nguồn vật liệu xây dựng và vướng giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) đang tăng tốc thi công để đảm bảo tiến độ Chính phủ, Bộ GTVT giao.
Dự án đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh, có chiều dài xây dựng 98,35 km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3 km (gồm các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, TP Đông Hà); đoạn qua tỉnh Thừa Thiên-Huế dài 61 km (gồm các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc), gồm 11 gói thầu xây lắp, tổng vốn đầu tư hơn 7.699 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng…
Đây là dự án khởi công đầu tiên trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1291 ngày 19/6/2018. Theo phê duyệt, giai đoạn đầu dự án có mặt cắt ngang quy mô 2 làn xe, bề rộng nền mặt đường 12 m. Riêng các đoạn nền đường đào sâu có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 23 m; các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 23 m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 7,5 m x 2 (mặt đường) + 1,5 m (dải phân cách) + 2,5 m x 2 (dải dừng xe khẩn cấp) + 0,75 m x 2 (lề đường) = 23 m.
Những ngày đầu tháng 5/2021, phóng viên Báo Tin tức có mặt trên công trường dự án, ghi nhận không khí thi công sôi động của hàng trăm cán bộ, công nhân, người lao động tại các gói thầu, huy động tối đa trang thiết bị máy móc, tăng ca, tăng kíp ngày đêm, tranh thủ điều kiện thuận lợi của những tháng mùa khô (từ tháng 4 - 10 hàng năm) tại miền Trung khắc nghiệt để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Video phóng viên ghi nhận trên công trường:
Theo đại diện giám sát, tư vấn dự án, hiện nay, khó khăn nhất là tại một số gói thầu như 5, 6, 7... đang thiếu nguồn đất đắp đường hay việc bàn giao mặt bằng sạch do vướng hệ thống mương nước thủy lợi, đường điện hạ thế trong phạm vi công trường... tại gói 8 của địa phương chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.
Để bù đắp tiến độ, trong quá trình thi công, các gói thầu đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật mới, linh hoạt xử lý những đoạn đường có nền đất yếu, chủ động xẻ núi để hạ độ cao lấy cốt đường hoặc thay đổi từ phương án từ nổ mìn sang phá đá bằng búa thủy lực, đảm bảo an toàn các vị trí thi công gần đường giao thông có lưu lượng xe qua lại đồng; đồng thời, tích cực làm việc với chính quyền địa phương cơ sở trong việc cấp phép tăng công suất khai thác mỏ vật liệu tại chỗ phục vụ san lấp mặt bằng... Nhờ vậy, đến thời điểm này, nhiều vị trí hụt tiến độ đã và đang được bù đắp khẩn trương.
Đối với các đường dân sinh mà các gói thầu mượn của địa phương để vận chuyển vật liệu vào công trường hiện nay đều được Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh ký cam kết kiểm tra hiện trạng trước khi mượn đường và ký quỹ sửa chữa để trả lại nguyên trạng đường sau khi kết thúc dự án.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng cho hay, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang thiếu khoảng 70.000 m3 cát san lấp, cát xây dựng. Để đảm bảo nguồn cung vật liệu, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế đang khẩn trương đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các vị trí được quy hoạch, để đáp ứng đủ nhu cầu dự án thời gian tới.
Qua tìm hiểu, toàn tuyến dự án đã thi công được khoảng 40% khối lượng tổng thể, các cầu trên tuyến đã cơ bản xong phần hạ bộ, 30% lắp xong dầm cầu, phần nền thông thường cũng cơ bản hoàn thành, phần nền đắp đường phấn đấu xong trong tháng 7/2021... dần lộ diện hình hài tuyến cao tốc.
Thị sát công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu ngoài đẩy nhanh tiến độ, chất lượng, phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng cũng như tính ổn định, bền vững của công trình và xử lý triệt để những vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt khi vào mùa mưa lũ, đảm bảo chắc chắn, độ chặt ở các vị trí kè, ốp mái, có xuất hiện mạch nước ngầm…
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan sắp cán đích, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang khai thác, sẽ tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, trục động lực xuyên miền Trung, đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 1A khi tuyến đường đèo và tuyến hầm Hải Vân có sự cố và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh miền Trung.