Tăng tốc triển khai ứng dụng chữ ký số

Tiết kiệm thời gian, chi phí, an toàn, hiệu quả cao là những nhận định chung của doanh nghiệp (DN) và các cơ quan nhà nước (CQNN) khi áp dụng chữ ký số (CKS). Việc ứng dụng CKS ở nước ta thời gian qua phát triển khá tốt, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), thay đổi tư duy, giảm giá dịch vụ CKS… được cho là những giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh ứng dụng CKS.

Tiện lợi, đơn giản, tiết kiệm với chữ ký số

Trong lĩnh vực thuế, hiện nay hơn 740.000 DN đang sử dụng CKS để thực hiện các dịch vụ khai và nộp thuế điện tử. Năm 2015, Công ty TNHH Thương mại Dầu khí An Bình đã áp dụng CKS để giải quyết các loại văn bản, giấy tờ liên quan đến thuế. Chị Nguyễn Thị Duyên, kế toán trưởng công ty, cho biết: "Trước đây, việc viết tay và chuyển phát các hóa đơn, chứng từ rất tốn thời gian. Từ khi áp dụng CKS, chỉ bằng một vài thao tác trên máy tính, văn bản, hóa đơn được chuyển đến các cơ quan, đơn vị thuế một cách nhanh chóng. Chúng tôi không mất thời gian ra cơ quan thuế nộp hồ sơ mà vẫn bảo đảm cơ quan thuế nhận được giấy tờ. Ngoài ra, việc áp dụng CKS cũng giúp công ty tiết kiệm chi phí in ấn”.

Mở rộng ứng dụng chữ ký số, người dân sẽ hạn chế tới các cơ quan công quyền để thực hiện thủ tục hành chính. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi cục thuế quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh: Anh Việt

Mở rộng ứng dụng chữ ký số, người dân sẽ hạn chế tới các cơ quan công quyền để thực hiện thủ tục hành chính. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi cục thuế quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh: Anh Việt

Bắc Ninh là một trong những địa phương quan tâm đến việc triển khai ứng dụng CKS. Đến nay, 100% CQNN của tỉnh đã được cấp chứng thư số. Các cơ quan, cá nhân đã ứng dụng hiệu quả chứng thư số trong các văn bản điện tử (VBĐT) trao đổi trên môi trường mạng cũng như thực hiện các dịch vụ thuế điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử... tạo môi trường làm việc hiện đại, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch.

Thị trường CKS nước ta đạt tỷ lệ tăng trưởng khá cao trong thời gian vừa qua. Năm 2015, Việt Nam có 9 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (CA công cộng) với khoảng hơn 800.000 chứng thư số hoạt động. Tính đến hết quý II-2019, thị trường này tăng lên 12 CA công cộng được cấp phép và hơn 1,1 triệu chứng thư số đang hoạt động.

Đối với khối CQNN, chứng thư số chuyên dùng để ký CKS văn bản điện tử trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đã cấp đến tất cả bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. Cụ thể, hết tháng 9-2019, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) cung cấp hơn 200.000 chứng thư số cho 95 đầu mối.

Để đạt được kết quả đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao dịch điện tử (GDĐT) như: Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 27-9-2018 quy định chi tiết thi hành Luật GDĐT; Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc gửi, nhận VBĐT giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước… Các văn bản này quy định rõ về giá trị pháp lý của CKS, giá trị pháp lý của VBĐT, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử có ký số giá trị như bản giấy.

Thủ tục cấp phép cho chữ ký số còn rườm rà

Tuy nhiên, so với dân số Việt Nam khoảng 90 triệu người, sự phát triển cũng như ứng dụng của CKS trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, DN và xã hội chưa đạt như kỳ vọng. Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng cho rằng, vướng mắc của việc áp dụng CKS chính là do thủ tục hành chính rườm rà và nằm ở vấn đề tư duy. Cụ thể như, khi áp dụng VBĐT nhưng quy trình hành chính vẫn thực hiện như văn bản giấy dẫn đến khó có thể thành công. Trong lĩnh vực chứng thực CKS, thị trường Việt Nam hiện nay dù nhỏ nhưng lại có khá nhiều giấy phép trong lĩnh vực này. Đồng thời, một số cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai ứng dụng CKS chuyên dùng và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc gửi, nhận VBĐT có tích hợp CKS.

Bên cạnh đó, hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong CQNN vẫn còn nhiều hạn chế, như: Thời gian cấp, đổi chứng thư số chậm dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh khi cán bộ thay đổi vị trí làm việc, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi triển khai ký số trên VBĐT; việc triển khai, nâng cấp các hệ thống quản lý văn bản điều hành để gửi, nhận VBĐT trên Trục liên thông văn bản quốc gia còn nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí.

Tỷ lệ ứng dụng CKS tại cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố tương đối tốt, nhưng đối với chính quyền cấp xã, huyện tại các địa phương còn nhiều khó khăn. Đó là do tình trạng cơ sở hạ tầng CNTT chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, hệ thống máy tính chưa đủ năng lực để áp dụng phần mềm sử dụng CKS. Cùng với đó, cán bộ cấp cơ sở còn thiếu trình độ chuyên môn về CNTT dẫn tới lúng túng trong thực hiện, ngại áp dụng công nghệ vào công tác quản lý.

Tăng cường cán bộ CNTT cho cấp cơ sở

Trước đó, tại cuộc làm việc Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, sau khi lắng nghe những khó khăn của các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, theo phản ánh của các địa phương, khó khăn, vướng mắc còn nhiều. Tuy nhiên, có những địa phương đã làm rất tốt, do đó nơi nào còn chưa tốt thì nên học hỏi, rút kinh nghiệm.

Để thuận lợi ứng dụng CKS trong GDĐT, Phó giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC, Bộ TT&TT) Phạm Quốc Hoàn cũng kiến nghị các địa phương khi triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến cần bổ sung các quy định sử dụng các giấy tờ, tài liệu điện tử có áp dụng CKS của cá nhân, DN trong thủ tục hành chính. Đối với các tổ chức, DN, ông Phạm Quốc Hoàn yêu cầu khi triển khai các hệ thống thông tin liên quan đến việc ký số, kiểm tra CKS cần tuân thủ các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CKS, quy định liên thông để bảo đảm tính pháp lý.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, khi triển khai CKS đáp ứng xây dựng Chính phủ điện tử không hẳn là chỉ áp dụng CNTT, mà phải thực hiện các biện pháp để quy trình thủ tục hành chính được đơn giản, gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách hành chính. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ TT&TT sẽ tăng cường các phương thức thúc đẩy thị trường chứng thực CKS phát triển, đồng thời bảo đảm an toàn trong GDĐT. Hiện tại, Bộ TT&TT đang xây dựng đề án nhằm thúc đẩy GDĐT, trong đó có vấn đề phải tìm giải pháp giảm giá dịch vụ CKS cho người dân và DN.

Bộ TT&TT hiện đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về cung cấp dịch vụ CKS trên nền tảng di động và cho phép ký từ xa, dự kiến sẽ được ban hành trong năm nay. Khi thông tư này được ban hành, bên cung cấp dịch vụ sẽ có căn cứ pháp lý để triển khai các giải pháp, từ đó tạo ra sự bùng nổ dịch vụ CKS di động trong thời gian tới.

Một yếu tố khác để việc trao đổi văn bản CKS được đồng bộ đó là các cơ quan, đơn vị nhà nước cần quan tâm đến đầu tư hạ tầng CNTT, thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ mới. Các địa phương cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức cấp xã, huyện. Mỗi địa phương cần có đội ngũ cán bộ có chuyên môn CNTT tốt. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn rất hạn chế. Do đó, xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút nhân lực có chuyên môn về CNTT về làm việc tại các cấp cơ sở là hết sức cần thiết.

TRÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tang-toc-trien-khai-ung-dung-chu-ky-so-598261