Tăng trưởng của niềm tin
Trong những ngày này, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trở thành một sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Trước những biến động của nền chính trị trên thế giới, sự rạn nứt của nhiều liên minh, liên kết giữa các nước, chúng ta nhận ra một sự gắn kết bền chặt giữa Đảng và nhân dân ta; sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa nền tảng tư tưởng và thực tiễn cuộc sống, giữa chiến lược, chính sách và lợi ích thiết thực của người dân... tất cả có thể gói gọn lại trong một khái niệm: Niềm tin. Niềm tin ấy trở thành một chỉ số tăng trưởng đặc biệt.
Lịch sử của nhân loại đã chứng minh, lòng dân chính là thước đo, là sự đánh giá khách quan nhất về những triều đại, những chế độ chính trị đã từng xuất hiện. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, nhiều vị quân vương dựng nước bằng “thanh gươm, yên ngựa” đánh đuổi kẻ thù xâm lăng và sau đó xây dựng nhà nước với tinh thần “vụ tại an dân”, trọng dân nhưng đến giai đoạn sau lại bắt đầu lâm vào khủng hoảng, mất đi những giá trị tốt đẹp, rơi vào suy tàn, để lại những tiếng xấu muôn đời về các “u vương”, “hôn quân”...
Vào cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, nhiều nước trong khối XHCN ở Đông Âu cũng lâm vào khủng hoảng và dẫn tới sụp đổ chế độ chính trị. Để lý giải nguyên nhân của vấn đề này là điều không đơn giản nhưng có lẽ, chúng ta có thể nhận ra việc không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám phê bình, tự phê bình thẳng thắn, không mạnh dạn chỉnh đốn chính là nguyên nhân chính yếu của sự khủng hoảng ấy.
Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam, một chính đảng được ra đời bằng sự hun đúc ý chí và tâm hồn dân tộc đã luôn dũng cảm, quyết tâm nhìn nhận thẳng thắn để tạo nên sức mạnh như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Cần thẳng thắn thừa nhận, trong bộ máy Nhà nước ta hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm… làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm mất uy tín, tổn hại danh dự của Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng”.
Niềm tin của nhân dân cũng chính là một chỉ số tăng trưởng đặc biệt. Sự tăng trưởng ấy không đơn giản chỉ dựa trên một vài chỉ số mà được tham chiếu từ nhiều lĩnh vực.
Sau một năm cả thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thách thức lớn nhất với nhiều quốc gia là khả năng phục hồi nền kinh tế. Đây cũng là phép thử với các chính phủ. Ở Việt Nam, khi ngành du lịch bị ảnh hưởng, Chính phủ đã kịp thời cơ cấu lại thị trường du lịch để kích cầu hiệu quả như: xây dựng những sản phẩm khuyến khích khách nội địa; cùng một loạt biện pháp khác như: bổ sung động lực tăng trưởng và giảm phụ thuộc quá nhiều vào các nền kinh tế lớn, tìm cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông, thủy sản; lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế…); các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ)... Đó không chỉ là giá trị vật chất mà còn là giá trị tinh thần, khẳng định vai trò lịch sử của Đảng và Chính phủ.
Trong năm 2020 cũng như những ngày đầu năm 2021, đại hội của các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật đã được tổ chức thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ. Qua thời gian, chúng ta nhận thấy, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ không chỉ khẳng định được vai trò trên mặt trận văn hóa, tư tưởng mà còn góp phần ổn định chính trị, xã hội, quảng bá tiềm năng du lịch nội địa, thanh lọc tâm hồn, phản bác các âm mưu chống phá của thế lực thù địch.
Đồng thời những người sáng tạo văn học nghệ thuật cũng luôn phải vượt lên để đáp ứng những đòi hỏi mới như lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tại Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025: “Nhiệm vụ trong thời gian tới là vô cùng nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tôi luôn tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, với bản lĩnh, tài năng, tâm huyết và khát vọng chung của giới văn nghệ sĩ nước nhà, chắc chắn nền VHNT sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và to lớn hơn nữa, có những “vụ mùa bội thu” với các tác phẩm lớn, có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân”.
Sự tin tưởng của mỗi chúng ta vào phát triển của văn học nghệ thuật cũng bắt nguồn từ tính ưu việt của chế độ chính trị, sự ổn định xã hội, từ các giá trị nhân văn ngày càng được đề cao.
Từ những vấn đề đã nêu trên, có thể nhận ra những điều đáng suy ngẫm trước một mùa xuân mới.
1. Trong một thời đại mà thông tin đóng vai trò thiết yếu, mạng xã hội đem đến cho chúng ta cả nhiều loại thông tin thì chính niềm tin vào đất nước, dân tộc là một vốn quý giá, cần được gìn giữ. Trong đại dịch COVID-19, trong sự kiện lũ lụt miền Trung, các chính sách của Nhà nước, tấm gương của các chiến sĩ quân đội, Công an trở thành từ khóa với lượng truy cập nhiều nhất.
Ca khúc “Ngủ một chút đi anh” dành tặng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (sáng tác: Tô Vân, trình bày: Việt Tú) sau khi được đăng tải trong một ngày đã thu hút 8.720 lượt xem. Hình ảnh những tấm gương thiện nguyện, những lời kêu gọi chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung tràn ngập trên mạng xã hội. Niềm tin đã trở thành tâm điểm của mọi thông tin mang một tình cảm xã hội đặc biệt. Tình cảm ấy không chỉ là phản ứng nhất thời mà đằng sau đó là khát vọng được bao bọc, chở che cùng hướng đến việc củng cố đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước-một niềm tin âm thầm, lặng lẽ nhưng rất đáng quý.
2. Niềm tin cũng là hệ quả tất yếu từ hướng đi đúng đắn của đất nước. Cách đây hơn ba thập niên, Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới “chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hành chính, bao cấp, kinh tế hiện vật, khép kín sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (theo Báo Lao động).
Sau hơn 20 năm phát triển mạng internet, Việt Nam lọt vào top 20 quốc gia có số lượng người sử dụng internet cao nhất thế giới. Chính tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén, đổi mới và tiếp thu thành tựu khoa học, kĩ thuật đã giúp chúng ta tiếp cận tốt với sự tiến bộ và chủ động hội nhập. Một nhà nước tiên tiến bao giờ cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, một niềm tin vào chặng đường phía trước.
3. Niềm tin của nhân dân luôn là một minh triết. Trong bối cảnh thế giới hôm nay, việc một quốc gia vừa giữ vững lập trường chính trị vừa vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường đạt hiệu quả là điều không hề đơn giản. Người dân Việt Nam thân thiện, cởi mở, dễ tiếp những sản phẩm tiến bộ mới nhưng ý thức rất rõ danh dự của một dân tộc đó là truyền thống cách mạng.
Ở bất kì nơi đâu, niềm tin của mỗi người Việt Nam chúng ta cũng là một “lá chắn thép” trước các thế lực thù địch, là một “sức đề kháng” trước những biểu hiện trái với truyền thống văn hóa, bôi nhọ lịch sử, gây mất ổn định xã hội.
Điều mà người dân cần là thực tiễn cuộc sống đang từng ngày thay da đổi thịt, đời sống của từng gia đình được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo trong cộng đồng càng giảm bớt, xuất hiện những tấm gương vượt khó gần gũi thân quen với mỗi người.
Niềm tin ấy phải chăng chính là một sự tăng trưởng đặc biệt của đất nước ta, không chỉ mang lại giá trị tinh thần mà còn trở thành nguồn động lực sáng tạo, đổi mới, khắc phục khó khăn và hướng đến tương lai tươi sáng của đất nước ta…
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tang-truong-cua-niem-tin-631369/