Tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm tối đa: Đề xuất 2 phương án

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng nay, các quy định liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, quy định giờ làm thêm tối đa… ghi nhận nhiều ý khiến khác nhau.

Ủng hộ quan điểm giữ nguyên giờ làm chính thức, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định linh hoạt thời gian làm việc tối đa là 48 giờ trong 1 tuần và Nhà nước khuyến khích thực hiện tuần làm việc ít hơn 44 giờ hoặc 40 giờ, tùy thuộc điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, là hợp lý, hợp tình.

Có nhiều lý do được đại biểu nêu để chứng minh quan điểm này. Đó là, hầu hết các nước có trình độ phát triển tương tự Việt Nam, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta, đều quy định thời gian làm việc 48 giờ. Chúng ta thì chỉ vừa mới thoát khỏi ngưỡng nghèo, việc rút ngắn hơn nữa thời gian lao động sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc giảm thời gian lao động sẽ dẫn tới giảm tiền lương và sẽ làm chậm lại các kế hoạch tăng lương cho người lao động trong những năm tới, bởi mức lương tối thiểu hiện tại được quy định cho tuần làm việc 48 giờ.

Hơn nữa, khi tiền lương và giờ làm giảm có khả năng người lao động sẽ tìm việc làm thêm để có thêm thu nhập, chủ yếu ở khu vực phi chính thức và sẽ gây nhiều hệ lụy.

Từ phía doanh nghiệp, việc giảm giờ làm có thể khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn đến giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ít nhất 20 tỷ USD hàng năm, theo tính toán sơ bộ. Điều này ảnh hưởng tức thời tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Về ý kiến cho rằng giảm thời gian làm việc tại doanh nghiệp sẽ bảo đảm công bằng với khu vực Nhà nước, đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng điều này không thỏa đáng, vì hai khu vực này đang không được đặt trên cùng một mặt bằng thu nhập và tiền lương.

Lương tối thiểu của doanh nghiệp tại Hà Nội là gần 4,2 triệu đồng/tháng và đang tăng lên rất nhanh. Trong khi đó, tiền lương cơ sở trong khu vực nhà nước chỉ ở mức chưa đến 1,5 triệu đồng/tháng và tăng rất chậm.

Về thời gian làm thêm, đại biểu Vũ Tiến Lộc ủng hộ phương án nới rộng có chừng mực khung thỏa thuận thời giờ làm thêm. Theo đó, đối với một số ngành nghề đặc biệt thì thời gian làm thêm sẽ không quá 400 giờ/năm.

Đây là khung giờ để người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận với nhau. Người lao động có quyền lựa chọn làm thêm hoặc từ chối làm thêm và cũng chỉ giới hạn với rất ít số ngành nghề đặc thù và ở lúc mùa vụ cao điểm.

Bởi theo đại biểu, tổng số thời gian làm thêm theo thỏa thuận của doanh nghiệp Việt Nam đang bị hạn chế ở mức 200-300 giờ/năm là thấp hơn nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam trong khu vực, như Bangladesh là 408 giờ, Trung Quốc là 432 giờ, Hàn Quốc là 624 giờ, Indonesia là 728 giờ… Hơn nữa, thời gian làm thêm theo quy định hiện hành là không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành nghề đặc thù. Việc không nới rộng thời gian làm thêm của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp và người lao động tại những vùng còn rất nghèo của đất nước.

"Làm thêm giờ là "cực chẳng đã" đối với các doanh nghiệp, nhưng cũng là nhu cầu tự nguyện của người lao động. Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế xác nhận 99% các hợp đồng làm ngoài giờ ở nước ta là có sự thỏa thuận tự nguyện của cả hai bên", đại biểu cho biết.

Với những lý do trên, đại biểu đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Quốc hội tiếp tục ủng hộ sự phát triển của doanh nghiệp bằng những quyết sách đúng đắn trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh, quyền có việc làm và được làm thêm để có thêm thu nhập chính đáng của người lao động.

"Chủ doanh nghiệp và người lao động đang trên cùng chung một con thuyền. Hãy tin ở quyền tự quyết của họ và sức sống của thị trường lao động ở nước ta", ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, chuyện người lao động tự nguyện làm thêm là... "rất lạ".

“Tôi thực sự bất ngờ với nhận định này của đại biểu Vũ Tiến Lộc. Bởi tôi nghe rất nhiều công nhân và công đoàn nói rằng, người công nhân không muốn làm thêm giờ mặc dù trên thực tế họ cần làm thêm giờ", bà Tâm phát biểu và đề nghị: Chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao người công nhân cần làm thêm giờ. Lý do làm thêm giờ là thu nhập hiện nay của người công nhân thực sự không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu của họ. Vì vậy, bà cho rằng, Quốc hội phải có chính sách để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống.

Trước đó, giải trình về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác tối đa sức lao động, hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Kế thừa quan điểm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa cho dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có thể có nhu cầu.

Dù vậy, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm như đã trình tại Kỳ họp thứ 7 để Quốc hội tiếp tục thảo luận. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: Quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật Lao động hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200-300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Phương án 2: Nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Về tuổi nghỉ hưu, do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Phương án 2: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tang-tuoi-nghi-huu-gio-lam-them-toi-da-de-xuat-2-phuong-an-93775.html