Tăng ứng dụng cơ khí cho nông nghiệp

Nhằm phát triển và ứng dụng máy móc thiết bị và khoa học công nghệ cho ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra sự đồng đều về chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản đồng bằng sông Cửu Long, ngày 27-9, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Cơ khí Nông nghiệp thông minh cho đồng bằng sông Cửu Long'.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Hội thảo hướng đến nâng cao chất lượng máy nông nghiệp, cần phải đầu tư căn cơ để tiêu chuẩn hóa và thương mại hóa các sáng kiến nêu trên, bằng giải pháp là xây dựng và phát triển ngành cơ khí nông nghiệp.

Theo PGS,TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở nước ta còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Hiện nay, phần lớn máy móc thiết bị của doanh nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành chế tạo máy phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều bất cập.

Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Lý do, các chuỗi giá trị nông sản chưa hình thành, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, thị trường tiêu thụ quốc tế; đất sản xuất còn phân bổ manh mún, trong khi đó quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đồng bộ về thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó là thực trạng vựa lúa của gần 18 triệu nhân khẩu vùng Tây Nam Bộ trong thời gian dài vẫn còn là “vùng trũng” của cả nước về giáo dục, về ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống.

Từ những khó khăn trên, cùng việc khung pháp lý cho đầu tư vào công nghệ ưu đãi về đầu tư công nghệ nói chung, và trong nông nghiệp định hướng công nghệ cao chưa hoàn chỉnh chỉnh, các doanh nghiệp còn nhiều e ngại khi đầu tư vào máy móc, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ngay cả ngoài khâu sản xuất, liên quan kho bãi, logistic và các dịch vụ sau thu hoạch vẫn còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp.

Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, ngành công nghệ tự động hóa là nhóm nghề sẽ rất phát triển trong thời đại 4.0. Do đó, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho lao động thuộc nhóm ngành nghề này trở nên là rất vấn đề cấp thiết. Và nhu cầu lao động của ngành cơ khí giai đoạn 2017-2020 đến năm 2025 là khoảng 10.000 người. Trong đó, lao động qua đào tạo chiếm khoảng hơn 90%. Nhu cầu về lao động qua đào tạo của ngành này được xếp vào nhóm cao nhất trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu.

Và TP Hồ Chí Minh với lợi thế tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, với rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trong đó có những đại học, trường đại học có thế mạnh về công nghệ, rất phù hợp để trở thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng máy móc thiết bị và khoa học - công nghệ cả vùng ĐBSCL.

Đưa ra một con số, Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ cho biết, kết quả thực hiện tại các mô hình cơ giới hóa ruộng lúa thí điểm của công ty như sau: giảm 50 công lao động trên ha/vụ, từ 125 công xuống 75, từ 100 xuống 50 công; giảm 50% lượng phân bón, bơm nước, thuốc bảo vệ thực vật, công nhổ cỏ; tăng sản lượng 600kg lúa/ha; giảm tổn thất sau thu hoạch 6% về khối lượng và 6% về giá trị. Ngoài ra, còn tận thu rơm và chế biến rơm có hiệu quả; giảm công lao động, phân bón hóa học, công nhổ cỏ, chi phí bơm nước, chi phí phun thuốc diệt ốc bươu vàng. Theo công ty này, sản lượng lúa ĐBSCL hằng năm khoảng 25 triệu tấn. Cơ giới hóa, hiện đại hóa hệ thống canh tác, giảm chi phí sản xuất, giảm thiệt hại trong và sau thu hoạch, tận dụng triệt để phụ phẩm khai thác hợp lý chuỗi giá trị trong toàn khâu sản xuất, lợi ích tạo ra theo lý thuyết: 25 triệu tấn x 4 triệu đồng/tấn = 100 nghìn tỷ đồng. Và nếu chỉ thực hiện được 25% điều này, cũng tạo ra nguồn thu trị giá 25.000 tỷ đồng năm. Tạo nội lực để ĐBSCL chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp bằng nguồn lực của chính mình.

Theo thí dụ phân tích của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong các kỳ hội thi máy gặt đập liên hợp tại ĐBSCL, các mẫu máy gặt đập liên hợp do các xưởng cơ khí nhỏ ở ĐBSCL sản xuất đạt hầu hết các giải nhất, nhì, ba do máy gặt đập liên hợp Việt Nam, vì: chạy được trên nền đất yếu; có bộ vơ, dựng đứng cây lúa, cắt được lúa đổ ngã; tỷ lệ gặt sót thấp nên có doanh nghiệp đã bán được lên đến 1.000 máy nhưng khi đưa vào sản xuất số lượng lớn, do chất lượng chế tạo kém, độ bền chi tiết máy không ổn định, chất lượng kim loại không tốt nên thường hư hỏng trong lúc vận hành. Trong khi các hãng chế tạo máy gặt đập liên hợp Nhật Bản áp dụng những cải tiến kỹ thuật của máy gặt đập liên hợp Việt Nam. Với năng lực công nghệ chế tạo máy và chất lượng kim loại chi tiết máy vượt trội, cộng với năng lực tài chính hùng mạnh, được hỗ trợ của chính phủ nước họ thông qua các chính sách đầu tư tài trợ cho cơ khí nông nghiệp, đã chiếm lĩnh thị phần máy gặt đập liên hợp Việt Nam. Thế nên, cơ khí nông nghiệp ĐBSCL đã thua ngay trên ruộng nhà bằng chính những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của chính mình.

Lấy các thí dụ ở các ngành thủy sản, ngành trồng và chế biến dược liệu, ngành sản xuất sữa tươi tiệt trùng cũng cần nhiều thiết bị từ ngành cơ khí chế tạo. Như mô hình của Công ty Thủy sản Minh Phú yêu cầu ngành cơ khí cung cấp thiết bị tự động hóa cung cấp thức ăn cho con tôm trong các ao nuôi cơ giới hóa thâm canh cao. Cũng như các giải pháp công nghệ mới, xử lý nước bảo đảm chất lượng nước ao nuôi. Cạnh đó là giải pháp logistic trong cung cấp thức ăn ra ao nuôi, vận chuyển tôm hiệu quả từ ao nuôi về nhà máy chế biến…, các đại biểu cho rằng, thị trường đầy tiềm năng này cần được đáp ứng bởi các nhà máy cơ khí chế tạo trong nước.

Hay như bài học mới đầy triển vọng của TS Nguyễn Thanh Mỹ (CEO của Tập đoàn RYNAN Mỹ Lan) đã thiết kế, chế tạo hệ thống sản xuất phân bón tan chậm công suất 10.000 tấn/năm. Thông qua việc cấy, hoặc sạ lúa kết hợp với vùi phân bón tan chậm, trên cánh đồng trồng lúa chất lượng cao. Cộng với việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh đã đem lại những kết quả hết sức khích lệ: giảm 50% lượng phân bón; chỉ bón một lần, trong lúc cấy hoặc sạ lúa; không cần dùng thuốc diệt cỏ; giảm hơn 700kg CO2e từ N2O trên 1ha… nên đã tăng năng suất 10%. Nói rộng ra, hội thảo cho rằng, Việt Nam hằng năm sử dụng hơn 11 triệu tấn phân hóa học. Nếu giảm 50% lượng phân bón hóa học, tương đương 5,5 triệu tấn, sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế và môi trường.

Còn theo doanh nhân đến từ Long An (sử dụng cơ giới trồng cỏ trên vùng đất phèn, và thu hoạch cỏ trên vùng đất phèn nặng thuộc vùng mỏ vẹt, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, trước đây chỉ có các loại cỏ năng và cây tràm gió mới mọc được), bằng các giải pháp cơ giới hóa thích hợp, Doanh nghiệp Quang Huy Long An đã trồng thử nghiệm cỏ sản lượng hơn 240 tấn/ha/năm, nuôi được 10 con bò, tạo ra giá trị tăng thêm trị giá 288 triệu đồng/ha. Với lượng phân hữu cơ từ phân bò dùng trồng chuối xuất khẩu, thân chuối trộn với cỏ lại cho bò ăn thành chu trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín: cỏ, bò, phân hữu cơ, chuối. Một ha tạo ra được 40 tấn phân hữu cơ/năm là nguồn hữu cơ chính, hữu cơ hóa canh tác nông nghiệp. Doanh nhân này kết luận: “Cơ giới hóa trong việc trồng và chế biến cỏ, cơ giới hóa trong việc sản xuất phân bón hữu cơ để phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng chủ động. Cơ giới hóa trong nông nghiệp hữu cơ, và chế biến nông sản hữu cơ, là mục tiêu phục vụ của cơ khí nông nghiệp”.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố và ĐBSCL là một cơ cấu kinh tế thống nhất, thành phố là thị trường tiêu thụ nông sản chính của ĐBSCL và nơi cung cấp công cụ sản xuất nông nghiệp, giải pháp khoa học công nghệ và hậu cần kỹ thuật cho ĐBSCL. Liên kết giữa hai bên là hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra thu nhập tăng thêm cho nông dân. Tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chu trình kín, phế liệu của công đoạn sản xuất trước được tận dụng triệt để cho công đoạn sản xuất sau, toàn dụng, tự nhiên, tổ chức sản xuất không chất phế thải, thân thiện với môi trường.

Để hiện thực vấn đề nêu trên, cần nhiều máy động lực, máy cày kéo, máy làm đất, máy thu hoạch, hệ thống bảo quản và chế biến nông sản do ngành cơ khí trong nước cung cấp (những thiết bị nêu trên phải thích nghi với sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, đem lại hiệu quả cho nông dân, đạt trình độ tiên tiến cạnh tranh có hiệu quả với thiết bị nhập ngoại). Từ thực tiễn sản xuất, sẽ phát sinh nhiều nhu cầu mới, để máy móc nông nghiệp ngày càng thích nghi và hiệu quả hơn. Nghiên cứu khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt, sự liên kết giữa doanh nghiệp, nhà trường, nhà khoa học, nhà nước trong mục tiêu chung, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ phục vụ phát triển ĐBSCL là hết sức cần thiết.

Ban tổ chức hội thảo kiến nghị: “Cần phải sửa Luật Đất đai theo hướng đa sở hữu, điều chỉnh hạn điền, khắc phục hậu quả việc chia nhỏ thửa ruộng trong cải cách ruộng đất và chủ trương khoán hộ dựa vào nhân khẩu nông nghiệp và lao động thủ công. Chế độ xin - cho trong sử dụng đất lúa cần phải bãi bỏ; An ninh lương thực phải dựa trên sản lượng lúa hằng năm, căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ, dựa trên dân số toàn quốc. Tổ chức sản xuất lúa bảo đảm an ninh lương thực gắn liền diện tích và năng suất sản lượng lúa hằng năm; Sử dụng đúng nguồn vốn khoa học - công nghệ từ ngân sách, tập trung cho lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, trong chương trình khoa học - công nghệ quốc gia thống nhất, tránh chia cắt theo địa giới hành chính; Khoa học - công nghệ và ngành cơ khí TP Hồ Chí Minh phải chủ động giành và bảo vệ thị trường này cho thành phố nhằm phục vụ cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp cho ĐBSCL và phải tập trung nguồn lực chủ động đi trước trong lĩnh vực này.

Trên cánh đồng lúa Mỹ Lộc (Vĩnh Long), Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh đang triển khai cơ giới hóa đồng lúa, đồng thời giúp nông dân sản xuất gạo hữu cơ thân thiện môi trường.

Trên cánh đồng lúa Mỹ Lộc (Vĩnh Long), Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh đang triển khai cơ giới hóa đồng lúa, đồng thời giúp nông dân sản xuất gạo hữu cơ thân thiện môi trường.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bancanbiet/thong-tin-doanh-nghiep/item/41738902-tang-ung-dung-co-khi-cho-nong-nghiep.html