Táo bạo khiêu khích ở Manbij, Thổ kích động cuộc xung đột nảy lửa ở Syria?
Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn kích động một cuộc xung đột mới ở Manbij, Syria khi cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang tới gần?
Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cho cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đang tìm cách tiếp phái viên tại Liên Hợp Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ muốn hòa giải với Mỹ sau nhiều năm bất đồng với Washington, từ việc cáo buộc Mỹ âm mưu đảo chính năm 2016 cho đến việc đe dọa binh lính Mỹ ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mua hệ thống S-400 của Nga và khiến xung đột gia tăng ở Syria, Iraq, Libya và Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đe dọa Israel và Hy Lạp. Bị cô lập và giờ Ankara muốn cải thiện quan hệ trở lại với nhiều nước. Tuy nhiên, điều này cũng có thể đang kích động sự xung đột trở lại tại một khu vực nhạy cảm của Syria có tên là Manbij.
Trong những ngày gần đây, các cuộc biểu tình ở Manbij phản đối Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) gia tăng. SDF đã được Mỹ hậu thuẫn nhằm chống lại IS từ năm 2015. Tuy nhiên, SDF không được ủng hộ rộng rãi trong chính quyền cũ của Mỹ và việc giải phóng Manbij khỏi IS chưa bao giờ được coi là mục tiêu chính. Manbij nằm ở vị trí nhạy cảm vì gần Thổ Nhĩ Kỳ và nơi đây từng diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa lực lượng Ankara và SDF năm 2016. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố SDF có liên hệ với tổ chức PKK, lực lượng đối đầu với quân chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù không có bằng chứng về việc SDF tham gia vào bất kỳ hoạt động nào chống lại Ankara, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng sự hiện diện của SDF như một cái cớ để ném bom và tấn công Syria.
Điều này đã đưa Manbij vào tầm tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm. Dưới thời ông Trump, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thuyết phục Mỹ rằng Ankara sẽ chiến đấu chống IS, lấp khoảng trống của Mỹ ở Syria nếu Mỹ rời đi. Tuy nhiên, các cựu chỉ huy Mỹ và các chỉ huy ở thực địa Syria của Mỹ biết rằng không có bằng chứng về việc Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu chống IS và trên thực tế, hầu hết các thành viên IS từ nước ngoài vào Syria đều thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi được tìm thấy gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib vào năm 2019.
Giờ đây, Manbij lại ở vị thế khó. Những toan tính của Ankara đã kích động các cuộc biểu tình chống lại SDF ở khu vực này.
Manbij có thể chính là nỗ lực mới đầu tiên của Ankara nhằm giảm ảnh hưởng của SDF. Việc các phương tiện truyền thông của Ankara đưa tin về chuyến thăm của phái viên Mỹ để thảo luận về vấn đề Syria và công bố những câu chuyện về phe đối lập của Syria với vai trò của SDF, cho thấy Ankara đang theo dõi chặt chẽ và tìm cách thu được ảnh hưởng tốt cho mình.
Là quốc gia láng giềng với Syria, hiện Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 3,9 triệu người Syria tị nạn. Và lâu nay Ankara quyết tâm chặn dòng người chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cho biết có khoảng 4 triệu người ở tây bắc Syria, trong đó 2,7 triệu người đã phải sơ tán trong cuộc xung đột kéo dài 9 năm qua.
Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập của chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Tổng thống Syria với sự hỗ trợ của Nga và Iran đã đẩy lùi các phần tử đối lập từng đe dọa bao vây Damascus và các phần tử này hiện chỉ còn kiểm soát ttrong khu vực phía tây bắc của đất nước.
Giới chuyên gia cho rằng xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra, tất yếu Nga sẽ đứng ra bảo vệ chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại phải đối diện với Nga.
Nhà phân tích Gokhan Bacik từng cho rằng, theo quan điểm của Nga, tương lai của Syria phải gắn liền với sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Assad. Do vậy giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria là hỗ trợ chính phủ nước này giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Thực tế, các diễn biến trên thực địa cho thấy Nga sẵn sàng hỗ trợ cho quân đội Syria thực hiện các cuộc các cuộc tấn công mà không cần phân biệt nhóm nào do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và nhóm nào không.