Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện phát triển văn hóa

Chiều nay, 1.11, Quốc hội sẽ thảo luận chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; nếu được Quốc hội thông qua, Chương trình được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; tập trung nguồn lực tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện phát triển văn hóa.

GS.TS. LÊ HỒNG LÝ, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Quan tâm hơn tới nghệ nhân dân gian

Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến văn hóa. Lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn, khi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được Quốc hội thông qua và triển khai, các di sản văn hóa phi vật thể sẽ được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa sẽ được bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn.

Trong quá trình đó, tôi cho rằng cần quan tâm hơn nữa tới các nghệ nhân dân gian, nhất là những nghệ nhân đã cao tuổi ở địa phương. Nhà nước đã có các chính sách tôn vinh, đãi ngộ với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, tuy nhiên, nghệ nhân dân gian chưa được hưởng các chính sách đãi ngộ này. Trong khi đó, cùng với quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, nghệ thuật diễn xướng dân gian, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, nghi lễ, phong tục tập quán… của các dân tộc thiểu số có xu hướng mờ nhạt, mất dần bản sắc. Đứng trước nguy cơ này, nghệ nhân là những người gìn giữ các yếu tố văn hóa dân gian truyền thống, là kho tư liệu đồ sộ phản ánh, thực hành và truyền dạy các giá trị văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau.

 Chương trình được kỳ vọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc ít người

Chương trình được kỳ vọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc ít người

Tôi cũng hy vọng sau khi Chương trình được thông qua và triển khai, các tỉnh, thành phố sẽ có nghiên cứu, điều tra bài bản để từ đó tập trung đầu tư phục hồi các giá trị văn hóa đặc sắc đang bị mai một. Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm đến văn hóa thì không những khôi phục được giá trị văn hóa các dân tộc mà còn tạo điều kiện để phát huy, tạo ra giá trị kinh tế từ đó. Bởi vậy, thay đổi nhận thức về vai trò của văn hóa và đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là quan trọng. Từ thay đổi nhận thức đó, các địa phương sẽ tìm ra cách làm hiệu quả để bảo tồn và phát triển văn hóa.

GS.TS. TỪ THỊ LOAN, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Đầu tư xây dựng các nhà hát xứng tầm

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống nhà hát trên cả nước được củng cố và phát triển. Một số nhà hát trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật biểu diễn Việt Nam như: Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội... Tại một số đô thị trung tâm vùng kinh tế - xã hội, đô thị loại I đã xây dựng được một số nhà hát có quy mô lớn, hiện đại, đủ điều kiện tổ chức sự kiện cho vùng và quốc gia như ở thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, Thái Nguyên.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận là trên phương diện cơ sở vật chất - kỹ thuật, hệ thống nhà hát của chúng ta còn nhiều yếu kém, hạn chế. Hầu hết nhà hát ở Việt Nam có quy mô nhỏ hẹp: Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam chỉ có 260 chỗ ngồi; Nhà hát Tuổi trẻ ở cả 2 cơ sở mới có 588 chỗ ngồi; Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam tổng cộng 2 cơ sở có 726 chỗ ngồi, Nhà hát Lớn Hà Nội chứa được tối đa 870 chỗ... Các nhà hát sân khấu truyền thống quy mô chỉ 300 - 400 chỗ ngồi. Đồng thời, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng và biểu diễn.

Tính đến tháng 12.2023, cả nước có 106 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, tuy nhiên rất nhiều đơn vị không có nhà hát, nơi biểu diễn diễn, mà thường phải thuê sân khấu, địa điểm biểu diễn, làm gia tăng chi phí, sự phụ thuộc vào bên ngoài và gây nhiều khó khăn cho hoạt động biểu diễn, nhiều đơn vị có trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu.

Đặc biệt, chúng ta hiện rất thiếu nhà hát xứng tầm để tổ chức các sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế hay mời các ban nhạc, ngôi sao nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia như Australia, Singapore, Anh, Pháp, Nga… thiết chế văn hóa lớn còn trở thành biểu tượng của quốc gia, thu hút du khách đến chụp ảnh, thưởng ngoạn và vô hình trung quảng bá cho văn hóa, hình ảnh đất nước.

Đây là những minh chứng cho thấy nhu cầu cấp bách về nơi biểu diễn của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Vì thế, kỳ vọng khi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được thông qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó có các nhà hát xứng tầm, sẽ được quan tâm đầu tư. Việc đầu tư vào thiết chế này cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần có cơ chế thông thoáng để đẩy mạnh xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Hương Sen - Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-buoc-chuyen-bien-manh-me-toan-dien-phat-trien-van-hoa-post395044.html