Tạo chuyển biến về năng lực giám sát

Những năm qua, hoạt động giám sát của Ban Pháp chế HĐND cấp huyện đã được đổi mới về hình thức giám sát theo hướng thiết thực, chất lượng và hiệu quả. Nội dung giám sát được lựa chọn, mang tính bao quát, tập trung vào những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những vấn đề lớn, có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Thiếu thông tin và tài liệu

Theo Ban Pháp chế, HĐND thị xã Quế Võ, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thị xã đã tổ chức 28 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó Ban Pháp chế đã tổ chức 7 cuộc giám sát thuộc lĩnh vực hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát chủ yếu tập trung vào giám sát các Tờ trình, Báo cáo trước kỳ họp kết hợp chất vấn tại kỳ họp HĐND, giám sát chuyên đề được tập trung vào các lĩnh vực thuộc các cơ quan: Quân sự, Công an, Phòng Tư pháp, Thanh tra; còn công tác giám sát các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Chi cục Thi hành án dân sự vẫn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; hội nghị giải trình mới tổ chức được 1 cuộc đối với Thanh tra Thị xã.

Một trong những khó khăn lớn mà Ban Pháp chế HĐND thị xã Quế Võ gặp phải là việc thiếu hụt thông tin và tài liệu trong quá trình giám sát. Nhiều cơ quan gửi báo cáo không đúng thời gian, chất lượng báo cáo không bảo đảm, thường chỉ nêu kết quả mà không đi sâu vào những hạn chế, thiếu sót.

 Toàn cảnh buổi giám sát của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bắc Ninh tại Viện kiểm sát nhân dân thị xã Quế Võ. Ảnh: Bạch Hạc

Toàn cảnh buổi giám sát của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bắc Ninh tại Viện kiểm sát nhân dân thị xã Quế Võ. Ảnh: Bạch Hạc

Chia sẻ về những tồn tại, hạn chế trong việc thẩm tra các báo cáo thuộc lĩnh vực tư pháp trình tại kỳ họp HĐND, Ban Pháp chế HĐND thị xã Thuận Thành cũng cho biết, khó khăn trong hoạt động thẩm tra là tiến độ của một số báo cáo gửi về Ban còn chậm so với quy định. Nhiều báo cáo chỉ chú trọng vào kết quả đạt được mà không hoặc rất ít chỉ ra các hạn chế, tồn tại. Chính vì vậy, hạn chế khả năng đánh giá chính xác của Ban đối với tình hình thực tế của các đơn vị.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra có lúc còn thụ động; Ban Pháp chế cũng chưa tổ chức được nhiều hoạt động khảo sát để thu thập thông tin từ thực tế. Trong một số trường hợp, các báo cáo thẩm tra chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu; nhiều báo cáo không đi sâu vào phân tích tính hợp pháp, hợp hiến và khả thi của các dự thảo Nghị quyết.

Mặt khác, việc đánh giá các vấn đề cần thảo luận chưa tập trung, làm giảm tính thuyết phục và hiệu quả của báo cáo; các thành viên Ban khi tham gia thẩm tra thường chưa dành đủ thời gian để nghiên cứu báo cáo. Hơn nữa, tính chuyên nghiệp trong công tác thẩm tra còn hạn chế, đa số vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, thiếu sự đào tạo và bồi dưỡng chính thức; khiến cho các báo cáo thẩm tra nhiều khi không được toàn diện, chưa phản ánh đúng thực tế của đơn vị, địa phương.

Băn khoăn về trình độ chuyên môn

Theo Ban Pháp chế, HĐND TP. Bắc Ninh, với đặc điểm của Ban Pháp chế cấp huyện - chỉ có 1 Phó Ban chuyên trách, còn lại thành viên đều hoạt động kiêm nhiệm. Vì vậy, để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ công tác giám sát theo hướng chuyên nghiệp là rất khó khăn, nhất là khi giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng; muốn giám sát hiệu quả ở các cơ quan này, đòi hỏi các thành viên trong Ban Pháp chế đi giám sát phải nắm vững pháp luật của Nhà nước và tình hình hoạt động của từng ngành.

Thực tế còn cho thấy, sự am hiểu lĩnh vực tư pháp của các thành viên Ban Pháp chế còn hạn chế, thiếu chuyên môn vì họ được đào tạo ở lĩnh vực khác nên rất khó khăn trong tiếp cận vấn đề, từ đó dẫn đến việc chất vấn các lĩnh vực tư pháp chưa nhiều, giám sát chưa sâu; qua giám sát chưa chỉ ra được những hạn chế, tồn tại để các cơ quan được giám sát khắc phục, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Theo đại diện Ban Pháp chế HĐND huyện Yên Phong, hoạt động của các cơ quan tư pháp có tính chuyên môn sâu, các Luật lại thường sửa đổi, bổ sung liên tục... đòi hỏi thành viên Ban Pháp chế phải được đào tạo hoặc am hiểu sâu về lĩnh vực pháp luật. Thực tế hiện nay, cơ cấu, số lượng thành viên Ban Pháp chế, HĐND huyện có trình độ đào tạo về luật, hoặc có chuyên môn gần sát với lĩnh vực tư pháp còn rất ít; một số người chưa được tiếp cận nhiều với lĩnh vực tư pháp, kinh nghiệm còn ít chủ yếu là nghiên cứu, vận dụng thực tiễn.

Bên cạnh đó, đa số các thành viên của Ban Pháp chế đều hoạt động kiêm nhiệm, chỉ có một Phó Ban chuyên trách, các thành viên của Ban đa số lại giữ chức vụ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị; phải tập trung giải quyết công việc chuyên môn nên thời gian dành cho hoạt động của Ban nhiều khi còn hạn chế.

Hiện nay, Thường trực và các Ban HĐND huyện chưa có chuyên viên tham mưu, giúp việc trực tiếp mà vẫn hoạt động kiêm nhiệm; các chuyên viên đó cũng còn phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau của UBND; công việc của các Ban HĐND chủ yếu do thành viên của Ban chủ động nên đôi lúc cũng gặp khó khăn trong hoạt động.

Từ thực tế đó, nhiều đại biểu cho rằng, Ban Pháp chế HĐND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động khắc phục những khó khăn; lãnh đạo Ban phải nắm chắc tình hình, điều kiện và thực lực của Ban mình để có phương hướng, kế hoạch hoạt động thiết thực, hiệu quả. Các thành viên trong Ban phải tích cực để làm nhiệm vụ của một thành viên, một đại biểu HĐND; bố trí thời gian thỏa đáng cho các hoạt động chung, hoạt động giám sát của Ban, đồng thời, học hỏi, tìm hiểu nắm vững pháp luật, chuyên môn trong lĩnh vực tư pháp.

Bên cạnh đó, Ban Pháp chế cần phải chủ động mời các lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan liên quan có trình độ, chuyên môn về lĩnh vực giám sát tham gia các hoạt động giám sát của Ban, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả từng đợt giám sát.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-chuyen-bien-ve-nang-luc-giam-sat-post394410.html