Tạo cơ hội bình đẳng để phụ nữ tham chính (Bài cuối)
Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ (PN) trong các lĩnh vực, nhất là trên chính trường có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, thời gian qua, Long An triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo cơ hội bình đẳng để PN tham chính.
Bài cuối: Thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý
Công tác bình đẳng giới (BĐG), nhất là BĐG trong lĩnh vực chính trị là một trong những nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Để hướng tới việc BĐG thực chất, thời gian qua, cả hệ thống chính trị trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Từ đó, công tác cán bộ (CB) nữ có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, dần rút ngắn khoảng cách giới.
Phát huy vai trò của nữ giới
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ CB nữ, bởi họ có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển KT-XH. Người từng đánh giá vai trò của PN: “Non sông gấm vóc Việt Nam do PN ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người đã biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh của PN Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng và căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc PN, thực hiện BĐG: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, PN đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều PN phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân PN thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho PN”.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm việc thực hiện BĐG và phát huy vai trò PN trong xã hội nhằm phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp PN.
Theo nhận định của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải, tỉnh luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với CB nữ. Các nghị quyết, quy định của Trung ương, tỉnh đều cơ cấu CB nữ ở các cấp. Thời gian qua, tỷ lệ CB nữ tham gia cấp ủy, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý đều tăng; chất lượng đội ngũ CB nữ từng bước được nâng lên cả về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực công tác, có chiều hướng phát triển tốt.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh có 5/53 đồng chí CB nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chiếm 9,4%. Tỷ lệ CB nữ trong hệ thống chính trị cấp tỉnh là 39,8% (trong đó, CB chủ chốt là nữ chiếm 16,7%); cấp huyện là 23% (CB chủ chốt nữ là 13,1%); cấp xã là 15,5% (CB chủ chốt là nữ chiếm 11,73%). Tuy nhiên, tỷ lệ CB nữ hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Tỉnh đang làm quy trình bổ sung thêm 1 cấp ủy tỉnh là CB nữ làm Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác CB nữ như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công tác,... để CB nữ tham gia cấp ủy, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý bảo đảm tỷ lệ theo quy định, khẳng định vị trí, vai trò của CB nữ trong hệ thống chính trị.
Quan tâm công tác cán bộ nữ
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó, đòi hỏi phải xây dựng được một đội ngũ CB ngang tầm, trong đó có CB nữ. Qua đó, xây dựng hình ảnh người PN Việt Nam thời đại mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang thực hiện quy trình quy hoạch CB theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy hoạch CB nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031, trong đó phải bảo đảm tỷ lệ CB nữ là trên 25%. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Lê Thanh Nghiêm cho biết, các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát, đánh giá, tạo nguồn để bảo đảm chất lượng, tỷ lệ theo quy định. Sau khi phê duyệt quy hoạch, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch phân bổ thời gian đào tạo, bồi dưỡng hợp lý cho CB nữ phù hợp với chuyên môn; thường xuyên đánh giá năng lực, trình độ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ đó mạnh dạn bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý để CB nữ tự phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, khẳng định mình để tạo uy tín, năng lực, đóng góp nhiều vào phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo đó, công tác CB nữ được thực hiện một cách khoa học, công khai, dân chủ, công bằng, bảo đảm các nguyên tắc, quy trình. Trên cơ sở xem xét thực tế hiệu quả đánh giá công tác, ý thức trách nhiệm, năng lực và trình độ chuyên môn; đồng thời, có nhận thức tốt về chính trị, giai cấp, từ đó có các bước, quy trình công khai cụ thể để CB đó có sức phấn đấu liên tục. Các địa phương mạnh dạn quy hoạch, đào tạo, bố trí CB nữ vào các chức danh lãnh đạo, các vị trí công chức có tính chuyên môn sâu; đồng thời, có kế hoạch phân bổ thời gian đào tạo, bồi dưỡng hợp lý cho CB nữ phù hợp với chuyên môn.
Đặc biệt, với cấp xã, xét trên cơ sở năng lực, kinh nghiệm, thái độ chính trị, đạo đức, kỹ năng, uy tín và sự ủng hộ của người dân địa phương, cấp ủy mạnh dạn phân công, bố trí CB nữ đối với các chức danh CB lãnh đạo, quản lý khối Đảng, Nhà nước, MTTQ, đoàn thể,...
Có thể nói, những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo bước chuyển biến mới cả về lượng và chất trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của PN, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền BĐG đúng thực chất. Để thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận vai trò, vị trí của PN. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể và mỗi cá nhân trong việc nâng cao vị thế, vai trò người PN, nhất là trong lĩnh vực chính trị./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tao-co-hoi-binh-dang-de-phu-nu-tham-chinh-bai-cuoi--a136776.html