Tạo cú huých cho kinh tế An Giang từ du lịch

Tháng 9-2018, tỉnh An Giang sẽ tiến hành Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn nhằm giới thiệu, quảng bá về những tiềm năng cũng như lợi thế cạnh tranh của tỉnh, tạo cú huých cho kinh tế An Giang thực sự chuyển mình.

Du khách tham quan du lịch cộng đồng sinh thái An Giang.

Du khách tham quan du lịch cộng đồng sinh thái An Giang.

Trong các lĩnh vực thu hút đầu tư, An Giang đặc biệt chú trọng vào hai lợi thế chính là nông nghiệp và du lịch với nhiều cam kết mạnh mẽ trong mời gọi, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp đến với An Giang.

Mũi nhọn mới từ tiềm năng du lịch

Trong chuyến thăm, và làm việc với tỉnh An Giang cuối tháng tám vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ và sản phẩm phục vụ du lịch, tạo môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, hấp dẫn du khách; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh quê hương, con người, danh lam thắng cảnh, các khu du lịch trọng điểm, như Núi Sam, Núi Cấm, Rừng tràm Trà Sư, khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng...

Đó chính là định hướng rõ nét nhất để An Giang đẩy mạnh khai thác tất cả những tiềm năng sẵn có và tạo thêm nhiều lợi thế cạnh tranh riêng biệt bằng những dự án du lịch có quy mô lớn, có sức hút mạnh mẽ tạo bước đột phát mạnh mẽ đưa du lịch An Giang trở thành đầu tàu cho kinh tế tỉnh nhà sau một nền nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao.

Là tỉnh có lợi thế đặc thù sông nước với sông Cửu Long chảy vào Việt Nam theo hai nhánh sông Hậu, sông Tiền; hệ thống cồn, bãi với ưu thế về thiên nhiên tươi mát, cảnh sắc hữu tình cho phát triển rau màu, cây ăn trái, du lịch sông nước miệt vườn. Trong đó, đặc biệt phải kể đến cù lao Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên với khu di tích quốc gia đặc biệt Tôn Đức Thắng và hàng trăm nhà vườn, cụm du lịch homestay đã phát triển nhiều năm qua với mô hình quy cũ và kinh doanh hiệu quả.

Đó còn là một cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới, nhiều năm qua tỉnh đã đặc biệt chú trọng để phát triển mô hình du lịch văn hóa, tâm linh khi có nhiều di tích kiến trúc tôn giáo vô cùng đặc sắc, có lịch sử và giá trị lịch sử đặc biệt và kết hợp du lịch sinh thái cùng với vùng đặc sản xoài ba màu. Đây là vùng chuyên canh xoài chất lượng cao đầu tiên của An Giang hướng đến hai mục tiêu song song là du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp đặc sản chất lượng cao.

Kiến trúc nhà thờ độc đáo cù lao du lịch ba xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang.

Kiến trúc nhà thờ độc đáo cù lao du lịch ba xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang.

Trên cơ đó, đề án quy hoạch phát triển du lịch ba xã cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới giai đoạn 2020-2030 tạo lợi thế khai thác và phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, cộng động, ẩm thực và mua sắm đặc sản, trải nghiệm thế giới sông nước, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, định hình thương hiệu, tạo điểm đến hấp dẫn khu vực ĐBSCL và cả nước.

Cũng với tiềm năng của du lịch sông nước, sinh thái là lợi thế của hệ thống chợ nổi, làng bè trên sông tại ngã ba Châu Đốc và TP Long Xuyên thu hút tuyến du lịch mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành xây dựng tuyến khám phá mới sông nước An Giang. Các làng Chăm theo tín ngưỡng Hồi giáo Islam với hệ thống thánh đường vô cùng đặc sắc cũng là đặc sản duy biệt của An Giang nhiều năm qua thú hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Đó còn là khu sinh thái rừng tràm Trà Sư với hệ sinh thái rừng tràm, hệ thống động vật chim cò, cá quý hiếm, nhiều loài thuộc sách đỏ, núi rừng Bảy núi hùng vĩ với Thiên Cấm Sơn được so sánh là Đà Lạt thứ hai ở miền Nam, không khí mát mẻ quanh năm, cảnh sắc thơ mộng nhiều cảnh quan, đền chùa đặc sắc như Tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam và cả châu Á…

Thêm vào đó là một cụm di tích, di chỉ văn hóa Óc Eo thuộc nền văn minh Phù Nam với Vương quốc Phù Nam có niên đại hàng nghìn năm được công nhận di tích quốc gia đặc biệt và miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận lễ hội cấp quốc gia và Khu du lịch quốc gia hằng năm đón khoảng tám triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái là những lợi thế không có tỉnh nào thuộc khu vực ĐBSCL có được.

Đột phá chính sách và hành chính công

Tại hội nghị thông tin kết quả phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch tỉnh An Giang diễn ra ngày 24-8 vừa qua, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trưởng ban cố vấn Kinh tế - Xã hội Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh: “Để ngành du lịch An Giang có bước phát triển mạnh mẽ, tỉnh cần tận dụng thế mạnh du lịch tâm linh. Lấy du lịch tâm linh làm trọng tâm phát triển. Xây dựng, nâng cấp hạ tầng du lịch song song với bảo tồn giá trị văn hóa và môi trường sinh thái. Thực hiện tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư tại địa phương. Đồng thời, thực hiện liên kết vùng để đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương”.

Đứng trước yêu cầu đó, các sở, ngành đã tiến hành cải thiện các chính sách thu hút đầu tư theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Thành Nhơn cho rằng, với quyết tâm thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, An Giang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, con người An Giang... để xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực mũi nhọn, địa bàn trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục rà soát quy hoạch để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ và sản phẩm phục vụ du lịch.

Điểm đáng chú ý, Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh An Giang vừa ban hành tạo cơ chế mở cho nhiều quy định về chính sách hỗ trợ, đầu tư, phát triển du lịch tỉnh An Giang. Theo đó, nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư khai thác, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan đến đầu tư khai thác, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo đó hàng loạt ưu đãi đặc biệt dành riêng cho du lịch đã được triển khai như đất sạch, đầu tư nhà hàng, khách sạn từ 3 sao, các hạ tầng phục vụ du lịch như nhà vệ sinh, trạm dừng chân… đến du lịch cộng đồng đều quy định hết sức cụ thể trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho du lịch An Giang cất cánh.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, để phát triển du lịch tạo thành nền tảng mới cho kinh tế An Giang các cấp, các ngành cần đổi mới trong tư duy và hành động nhằm vực dậy tiềm năng du lịch - một ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Trong đó, phải xác định đúng lợi thế của du lịch An Giang; lấy doanh nghiệp và người dân làm chủ thể để phát triển du lịch. Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách; quảng bá hình ảnh An Giang; thu hút đầu tư vào du lịch địa phương. Qua đó, tăng nguồn thu và tỷ trọng GRDP từ du lịch; góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Đặc biệt, khắc phục những hạn chế chủ quan; phát huy lợi thế sẵn có; đồng thời, tập trung phát huy dư địa (đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách) nhằm tạo nên lợi thế mới cho phát triển. Trong đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ sở hạ tầng du lịch; làm tốt công tác truyền thông; tạo môi trường thuận lợi hút đầu tư vào du lịch.

Theo Sở KH-ĐT, tính đến thời điểm hiện nay, An Giang thu hút 23 dự án đủ điều kiện trao quyết định chủ trương đầu tư ở năm lĩnh vực: nông nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; công nghiệp; xây dựng - đô thị; y tế với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến năm doanh nghiệp với tổng vốn dự kiến khoảng 25,67 tỷ đồng sẽ ký cam kết đầu tư.

HẢI THƯ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/bancanbiet/item/37440102-tao-cu-huych-cho-kinh-te-an-giang-tu-du-lich.html