Tạo điều kiện cho người dân được học tập, nâng cao trình độ

Với nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện khá tốt đề án xây dựng xã hội học tập, góp phần tạo điều kiện cho người dân trong tỉnh được tham gia học tập, nâng cao trình độ.

 Đưa thư viện lưu động đến một trường học miền núi - Ảnh: T.L

Đưa thư viện lưu động đến một trường học miền núi - Ảnh: T.L

Thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả nhằm đẩy mạnh thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập. Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Linh Lương Ngọc Ninh cho biết: “Liên hoan xếp sách nghệ thuật được chúng tôi tổ chức đã thu hút 10 trường học trên địa bàn tham gia, qua đó nhằm tôn vinh vai trò, giá trị của sách, công lao người viết sách và phát động văn hóa đọc trong cộng đồng. Khuyến khích tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ khám phá niềm yêu thích đọc sách để phát triển một cách toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4, các địa phương, đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như trưng bày sách, hội thi kể chuyện theo sách, giao lưu văn hóa văn nghệ… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, học sinh và các tổ chức, đoàn thể hưởng ứng sôi nổi. Bên cạnh đó, hoạt động “Vui hè cùng sách” đã đưa hàng ngàn lượt đầu sách của thư viện huyện về với trẻ em vùng nông thôn. Góp phần giúp thiếu nhi nông thôn tiếp cận với văn hóa đọc, giúp các em mở rộng thêm kiến thức để phục vụ tốt hơn cho học tập và hình thành nhân cách con người trong tương lai”.

Để triển khai thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020 của tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của đề án đến các phòng, đơn vị trực thuộc. Đồng thời tổ chức lồng ghép triển khai thực hiện đề án, phổ biến việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trưng bày, triển lãm… để phục vụ Nhân dân. Phong trào học tập trong thư viện được đẩy mạnh thực hiện. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến huyện, xã, thị trấn đã được đầu tư xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phục vụ tốt nhu cầu của người đọc. Văn hóa đọc trong cộng đồng được chú trọng triển khai.

Đến nay, trên địa bàn đã có 1 thư viện tỉnh, 245 thư viện các cấp và 250 tủ sách phục vụ bạn đọc. Hằng năm, hệ thống thư viện các cấp đã tiến hành cấp mới trên 1.000 thẻ thư viện; bổ sung, luân chuyển hàng vạn lượt sách báo phục vụ hàng trăm ngàn lượt người đọc, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đảo Cồn Cỏ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân. Số bạn đọc đến với thư viện ngày càng tăng, đạt 250.000 lượt/năm. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh đã thực hiện luân chuyển, bổ sung 11.109 bản sách cùng nhiều loại báo, tạp chí khác; xây dựng hơn 20 tủ sách cho các đồn biên phòng, các thôn, bản thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông … Công tác phát triển mạng lưới thư viện cơ sở cũng được quan tâm thực hiện tốt thông qua các đề án, kế hoạch, chương trình phối hợp của ngành, địa phương. Hằng năm, thực hiện kế hoạch của tỉnh, Thư viện tỉnh còn phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thành công Ngày Sách Việt Nam 21/4, thu hút đông đảo bạn đọc đến tham quan, sử dụng thư viện… Đặc biệt, từ năm 2019, Thư viện tỉnh đã tiếp nhận xe ô tô thư viện lưu động với các phương tiện tiện ích góp phần thực hiện tốt các hoạt động học tập suốt đời tại các cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế khó khăn. Phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức phục vụ xe ô tô thư viện lưu động tại 15 điểm trường với gần 6.000 lượt bạn đọc, luân chuyển gần 27.000 lượt sách, báo.

Phong trào học tập trong bảo tàng cũng đươc quan tâm thực hiện, hoạt động sưu tầm các hiện vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử và công tác trưng bày được bảo tàng tỉnh thực hiện thường xuyên. Hiện nay Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ các tài liệu hiện vật gốc, phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, học tập của người dân trong tỉnh cũng như du khách gần xa, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho mọi người, nhất là đối với thế hệ trẻ với nhiều chủ đề khác nhau. Quy mô tổ chức của hệ thống bảo tàng ngày càng được mở rộng, phát triển.

Ngoài Bảo tàng tỉnh, hiện nay tại các điểm di tích có 7 nhà trưng bày bổ sung, 4 nhà trưng bày truyền thống cấp huyện và một số nhà truyền thống của các ngành được huy động xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Các phòng trưng bày đang phát huy hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống và khai thác du lịch…Việc xây dựng phong trào học tập tại các nhà văn hóa, câu lạc bộ cũng được quan tâm thực hiện tốt. Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng hơn đến việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Nhiều chương trình mục tiêu của tỉnh về xây dựng thiết chế văn hóa đã được thực hiện. Sự nghiệp phát triển văn hóa luôn được chú trọng và gắn liền với phát triển kinh tế- xã hội. Đến tháng 5/2020, toàn tỉnh có 101/115 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa- trung tâm thể thao, chiếm tỉ lệ 71,6% với mức đầu từ từ 1.000- 1.500 triệu đồng/nhà văn hóa; 998/1.082 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao, chiếm tỉ lệ 92,5%, với mức đầu tư từ 500 triệu -1.000 triệu đồng/nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa đã được đưa vào khai thác, bước đầu phát huy hiệu quả, trở thành nơi trao đổi kinh nghiệm, học tập nâng cao trình độ của người dân trong cộng đồng.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng xã hội học tập, trong thời gian tới ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới thư viện phục vụ nông thôn theo hướng tổ chức mô hình thư viện lưu động, thư viện kết hợp mô hình trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn, xã và điểm bưu điện văn hóa xã. Tăng cường luân chuyển sách, báo giữa Thư viện tỉnh với các thư viện huyện, thư viện trường học, thư viện cấp xã…Các bảo tàng tiếp tục đổi mới hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm thu hút khách tham quan, đặc biệt là học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, tổ chức các hoạt động học tập phù hợp với từng đối tượng ở các địa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa, câu lạc bộ, đội tuyên truyền lưu động phục vụ Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152843