Tạo điều kiện để nhà thầu trong nước tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam

Lãnh đạo Văn Phòng Chính phủ nói, cao tốc Bắc Nam đấu thầu công khai và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia một số tuyến.

Chiều 1.8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.2019, phóng viên nêu câu hỏi về việc sơ tuyển, đấu thầu đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Cụ thể, về việc sơ tuyển đấu thầu đường cao tốc Bắc-Nam, hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước cho rằng có nhiều tiêu chí thầu quá cao khiến họ khó tham gia, điều này khiến những gói thầu dễ rơi vào nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng đường bộ cao tốc Bắc-Nam là trục xương sống quốc gia thì ngoài những vấn đề về giao thông thì cần lưu ý về vấn đề an ninh quốc phòng. Quan điểm của bộ Giao thông vận tải và Chính phủ về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi trên, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho biết về tiêu chí để sơ tuyển và đấu thầu đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ đã tổng hợp trình, báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội sau đó đã xác định những đoạn ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2018-2021 với chiều dài 654 km với 8 dự án được phân chia.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh VGP

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh VGP

Ông Đông khẳng định: "Để phân chia các dự án này, trong quá trình xem xét phân chia dự án, chúng tôi đã đưa ra các tiêu chí, đánh giá thật kỹ. Đối với dự án phải xác định xây dựng và sẽ thu phí theo hướng đối tác công tư (PPP). Như vậy cần phải xem xét đến tính hiệu quả của dự án, phải có kết nối với các trung tâm, kết nối với các đường hiện hữu hoặc vòng kết nối với Quốc lộ 1,…"

Theo ông Đông, tùy điều kiện địa hình và hệ thống đường đã có cũng như trung tâm kinh tế, chính trị dọc các tuyến để xác định các điểm đầu, điểm cuối của các dự án này. Với những tiêu chí vậy, Bộ Giao thông vận tải đã xác định các dự án có thể để bảo đảm vừa hiệu quả cũng như bảo đảm tính kết nối, thu phí hoàn vốn trong trường hợp kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Theo quy định của pháp luật, với tổng mức đầu tư bao nhiêu thì quy định mức vốn của chủ sở hữu phải là bao nhiêu trong trường hợp đối tác công tư tại Nghị định 63 của Chính phủ đã được ban hành. Ở đây trong trường hợp cụ thể là áp dụng mức 20% của tổng mức đầu tư đối với vốn, là điều kiện để tham gia. Vấn đề này đã được xem xét trong quá trình thông qua của Quốc hội và thực hiện dự án thầu. Đặc biệt quan trọng hơn là phù hợp với quy định trong Nghị định.

Tiêu chí được xác định trong phân đoạn của các dự án bảo đảm tính khả thi trong việc thu hút đầu tư, thu hồi vốn; xác định trên mức của dự án và xác định quyền mức tỷ lệ của vốn điều lệ tham gia, còn lại là vốn vay ngân hàng thương mại và từ vốn huy động khác.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết liên quan đến đấu thầu của dự án này, trước hết áp dụng theo hình thức đối tác công- tư (PPP) theo Luật Đấu thầu là phải thực hiện đấu thầu: "Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu có quy định trong trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì các cấp thẩm quyền sẽ phê duyệt. Chúng ta đang trong giai đoạn sơ tuyển, đánh giá sơ tuyển theo hình thức đấu thầu, trước khi chính thức lựa chọn nhà thầu.

Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp thẩm quyền liên quan đến vấn đề đấu thầu để bảo đảm phù hợp theo đúng quy định của pháp luật, quyết định của các cấp thẩm quyền, đặc biệt theo Nghị quyết 52 của Quốc hội", ông Đông nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hồ sơ mời thầu là rất quan trọng. Đây là tuyến đường huyết mạch với tổng chiều dài hơn 600km, tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn trăm nghìn tỷ đồng.

Qua sơ tuyển hồ sơ mời thầu có cả hồ sơ trong nước và nước ngoài. “Tinh thần là đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, không tiêu cực để chọn các nhà thầu có năng lực”, ông Dũng nói.

Tuy vậy, Bộ trưởng cho hay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại dự án, theo đó bảo đảm một số tuyến đấu thầu cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia.

Tuyến đường cao tốc Bắc – Nam có 11 dự án thì có 3 dự án sẽ được khởi công vào tháng 10.2019 và đầu quý II.2020. Trong khi đó, 8 dự án còn lại sẽ được xem xét liên quan đến các vấn đề, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng. “Các nội dung nhà báo hỏi, Chính phủ đã lường được trong chỉ đạo thực hiện dự án để đảm bảo chất lượng, an toàn lâu dài và an ninh quốc phòng. Các lãnh đạo Chính phủ đã nhận ra vấn đề người dân và các chuyên gia quan tâm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

* Được biết theo số liệu từ các ban quản lý dự án, tính đến thời điểm đóng hồ sơ sơ tuyển của 8 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP của cao tốc Bắc - Nam, đã có 60 bộ hồ sơ được nộp.

Trong số các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu thầu 8 dự án PPP thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam, nhà đầu tư Trương Quốc đang áp đảo về số lượng. Các doanh nghiệp này chọn hình thức đầu tư độc lập hoặc liên doanh với các công ty trong nước để tham gia đấu thầu.

Về nhà đầu tư Hàn Quốc, chỉ có một số tên tuổi tham gia như Deawoo E&C, Lotte E&C, Hyundai E&C,... tuy số lượng ít nhưng đây là đều là các doanh nghiệp mạnh của Hàn Quốc. Tương tự, cũng chỉ có 2 nhà đầu tư Pháp tham gia liên danh 2 là VINCI Highways - Horizon Invest.

Nhà đầu tư Việt Nam, những cái tên quen thuộc tham gia các dự án thành phần lần này, gồm: Đèo Cả, Phương Thành, FECON, Cienco 4, Tasco, Cottecons, Sơn Hải... tổng cộng số nhà đầu tư trong nước và góp mặt liên danh với nước ngoài là 29 nhà đầu tư, gần bằng 50% số lượng hồ sơ dự tuyển.

Nhiều ý kiến cho rằng việc nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam với số lượng áp đảo sẽ làm dấy lên mối lo ngại bởi nhiều dự án do các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc tham gia hiện đang bị đội vốn, chậm tiến độ.

Trong khi đó, tiêu chí vốn chủ sở hữu để tham gia cao tốc Bắc Nam phải chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu ít nhất 1.000 tỷ đồng cho dự án từ 5.000 tỷ đến 10.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp trong nước cho rằng như vậy sẽ khiến họ khó đáp ứng tiêu chí.

An Minh tổng hợp

Cần đặc biệt cẩn trọng cao tốc Bắc - Nam
Việt Nam tự xây đường cao tốc, tại sao không?
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Phải mở cửa cho doanh nghiệp trong nước
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Ba câu hỏi cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tao-dieu-kien-de-nha-thau-trong-nuoc-tham-gia-du-an-cao-toc-bac-nam-19865.html