Tạo động lực phát triển bền vững

Sau hơn 10 năm tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng thuận và ý chí vươn lên mạnh mẽ của nhân dân các dân tộc, đặc biệt là đồng bào các tôn giáo, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới.

Chuyển mình mạnh mẽ

Lâm Đồng là tỉnh có phần lớn người dân sống ở nông thôn, xuất phát điểm để bước vào xây dựng nông thôn mới, trừ thành phố Đà Lạt, 11 địa phương còn lại của tỉnh đều có rất nhiều hạn chế về nguồn lực trên nhiều lĩnh vực. Sau thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều địa phương trong tỉnh đã có sự thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ. Kết quả đến nay toàn tỉnh có 100% xã hoàn thành và công khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới; 107/111 xã (đạt 96,4%) đã được công nhận nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu và 33 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Lâm Hà, 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Lâm Đồng dẫn đầu các tỉnh Tây Nguyên về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: baolamdong.vn

Lâm Đồng dẫn đầu các tỉnh Tây Nguyên về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: baolamdong.vn

Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể; từ đó xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, với quyết tâm chính trị rất cao. Tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân...

Hưởng ứng Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chung sức, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững ở khu dân cư trong đồng bào có đạo. Nhiều cơ sở, chức sắc tích cực tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức xây dựng các mô hình giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn, điển hình như mô hình “Giáo xứ không có tội phạm” tại Giáo xứ Lạc Sơn, thôn Lạc Sơn, xã Lạc Lâm, Đơn Dương do Linh mục quản xứ Nguyễn Trí Độ chủ trì; mô hình “Khu dân cư bảo đảm an ninh - trật tự - an toàn giao thông” tại thôn Phú An, xã Phú Hội, Đức Trọng do Đại đức Thích Nguyên Hiền - Trụ trì Vĩnh Minh tự viện chủ trì thực hiện; mô hình “Khu dân cư an toàn, sáng - xanh - sạch - đẹp” tại thôn Trường Vinh, xã Xuân Trường, Đà Lạt do Đại đức Thích Như Thuần - Trụ trì chùa Viên Giác chủ trì thực hiện...

Định hướng đúng đắn

Dân số trên 1,3 triệu người, với 47 dân tộc chung sống, toàn tỉnh Lâm Đồng có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, với tổng số tín đồ gần 800.000 người (chiếm 70% dân số toàn tỉnh). Trong đó, cộng đồng người Công giáo tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 400.000 giáo dân (chiếm 31% dân số toàn tỉnh).

Đại diện Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Lâm Đồng cho biết: phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là một cuộc vận động lớn, mang tính toàn dân, toàn diện, tính nhân văn sâu sắc; nội dung của cuộc vận động phù hợp với ý Đảng, lòng dân. Chính vì vậy, trong những năm qua, đồng bào Công giáo tỉnh Lâm Đồng đã tích cực thực hiện và có nhiều thay đổi lớn trên các lĩnh vực về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tính đến nay, đã có 250 khu dân cư có đông đồng bào Công giáo trong toàn tỉnh được công nhận khu dân cư văn hóa, tiêu biểu như các giáo xứ Tân Phú (Di Linh); giáo xứ Kim Phát (Đức Trọng); giáo xứ Lạc Viên (Đơn Dương), giáo xứ Madagui, giáo xứ Phước Lộc (Đạ Huoai), giáo xứ Thánh Mẫu (Đà Lạt)... Trong đó, huyện Bảo Lâm có 39/39 khu dân cư có đông đồng bào Công giáo duy trì danh hiệu khu dân cư văn hóa, trong đó có 9 khu dân cư được công nhận khu dân cư tiêu biểu; huyện Đạ Huoai có 3 Giáo xứ, 17 họ đạo được công nhận khu dân cư văn hóa. Đã có trên 30 xã có đông đồng bào Công giáo được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, điển hình như xã Lạc Lâm (Đơn Dương); xã Bình Thạnh (Đức Trọng)...

Tại huyện Đơn Dương, đồng bào Công giáo có gần 40.000 người đang sinh sống và sinh hoạt tại 12 giáo xứ. Thời gian qua, đồng bào Công giáo luôn tích cực đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như trồng các loại hoa, cây ăn quả phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, mở rộng diện tích nhà lưới, nhà kính... hệ thống tưới nước nhỏ giọt để tiết kiệm nước và giảm sức lao động. Gần đây, nhiều công ty nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp được thành lập góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân và đời sống kinh tế ngày càng ổn định...

Những đóng góp tích cực của bà con giáo dân huyện Đơn Dương đã góp phần lập nên thành tích chung của huyện Đơn Dương khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Sau đó, huyện tiếp tục xây dựng và thực hiện Đề án Giữ vững và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Với những kết quả đạt được, năm 2019, Chính phủ quyết định chọn 4 huyện tiêu biểu trên toàn quốc để triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có huyện Đơn Dương làm mô hình điểm Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 - 2025.

Đây là một dấu mốc mở ra định hướng đúng đắn, bền vững và tạo động lực mới để các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào Công giáo của huyện tiếp tục gắn bó, thi đua phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tao-dong-luc-phat-trien-ben-vung-i339487/