Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

ĐBP - Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông. Trong đó thường xuyên bổ sung, hoàn thiện quy hoạch; phát triển giao thông theo quy hoạch; thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông trên địa bàn được xem là những giải pháp trọng tâm.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Lộc thi công gói thầu số 9 thuộc Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL279 và QL12, tỉnh Điện Biên.

Các tuyến quốc lộ (QL) trên địa bàn đảm đương vai trò là trục đường chính kết nối giao thông các vùng trong tỉnh với các khu vực lân cận và Trung ương. Do đó, những năm qua, tỉnh ta đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ để thực hiện duy tu, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kì đảm bảo khả năng vận hành, khai thác các tuyến QL trên địa bàn. Nhiều dự án phát triển giao thông quan trọng trên các tuyến QL: 279, 12, 6 và 4H được triển khai thực hiện. Trong đó, một số dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Cải tạo, nâng cấp QL279; cải tạo, nâng cấp QL12 đoạn Mường Chà - TP. Điện Biên Phủ; sửa chữa nền mặt đường QL6 đoạn Tuần Giáo - TX. Mường Lay; xây dựng đường Si Pha Phìn - Mường Nhé (Km0 - Km100+200); cải tạo nâng cấp QL4H đoạn Km0 - Km47 và đoạn Km147+200 - Km184+200… Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông được phê duyệt đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Dự án Cải tạo nâng cấp QL 279B, tỉnh Điện Biên (đoạn Nà Tấu - Mường Phăng) và Dự án Cải tạo nâng cấp QL 12 đoạn Km102 - Km139+650, tỉnh Điện Biên (Mường Lay - Mường Chà) được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL279 và QL12, tỉnh Điện Biên; Dự án Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 143; Dự án Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 147 và các Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, các huyện, thị xã được phê duyệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Điện Biên không thể không nhắc đến Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. Hiện nay, lần lượt các gói thầu thuộc dự án đã khởi công. Chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đang tập trung nguồn lực để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, giải quyết dứt điểm mọi khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các đơn vị thi công thực hiện Dự án thuận lợi. Cảng Hàng không Điện Biên đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông của tỉnh. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ là “mắt xích” quan trọng trong liên kết hệ thống quốc lộ huyết mạch, hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh, tạo hành lang phát triển kinh tế, phát huy các tiềm năng lợi thế của tỉnh như: Du lịch, dịch vụ; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp…

Với chiến lược “Phát triển nhanh, vững chắc, hạ tầng đi trước để phát huy tiềm năng, lợi thế”, tỉnh Điện Biên đã và đang ưu tiên các nguồn lực và kêu gọi thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng, quốc tế nhằm tạo động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo không gian mới để phát triển kinh tế cho địa phương và tạo điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chuẩn bị, trình phê duyệt, triển khai thực hiện Dự án Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (TP. Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/QL 279) theo phương thức đối tác công tư (PPP), phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trước năm 2026; tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp QL279 (đoạn Điện Biên - Tây Trang) và QL4H trên cơ sở Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 8/2/2022 của Văn phòng Chính phủ; hoàn thiện Báo cáo đề xuất đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận Chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo nâng cấp QL12D (Mường Lay - Nậm Pồ) bằng nguồn vốn vay ODA, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện khởi công xây dựng các dự án nói trên trước năm 2025.

Cùng với việc thực hiện đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đảm bảo khai thác cuối năm 2023, việc sớm triển khai tuyến đường bộ cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang là giải pháp căn cơ của tỉnh trong những năm tới nhằm tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực kết nối vùng và quốc tế. Đây là tuyến giao thông đường bộ chính kết nối tỉnh Điện Biên với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ; đồng thời liên kết các vùng kinh tế phía Bắc Việt Nam với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng và hành lang kinh tế Côn Minh - Viêng Chăn thông qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Đồng thời, là điều kiện rất quan trọng để tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, từng bước thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Điện Biên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh có điều kiện phát triển khá trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc vào năm 2030 và là trung tâm cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc trong tương lai gần.

Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đó, ngày 31/3/2022, UBND tỉnh Điện Biên đã có Tờ trình số 909/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án Xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (TP. Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/QL.279). Quy mô xây dựng với tổng chiều dài khoảng L=50Km, thiết kế 2 làn xe tốc độ cao; thời gian thực hiện dự án từ tháng 12/2022 - 6/2026. Phương thức thực hiện theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Để tạo nguồn lực đầu tư, tỉnh Điện Biên đang tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch khai thác quỹ đất tạo nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào việc thực hiện quy hoạch và khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai các khu vực có lợi thế về du lịch dịch vụ, phát triển đô thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và dọc tuyến đường cao tốc được đầu tư, với tổng nguồn thu từ đất giai đoạn 2022 - 2026 khoảng 10.650 tỷ đồng. Song song với đó, Điện Biên sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay, nhiều nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn lớn hàng đầu trong nước đã đến Điện Biên khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng lợi thế, gồm: Du lịch, dịch vụ, phát triển đô thị, sản xuất chế biến các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng...

Với những nỗ lực của tỉnh, sự đồng hành của các doanh nghiệp và người dân nhằm thực hiện hiệu quả khâu đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đã tạo động lực đánh thức tiềm năng, thúc đẩy hợp tác phát triển, thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.

Mạnh Thắng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/202499/tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te---xa-hoi