Tạo đột phá xây dựng đô thị thông minh
Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây chính là căn cứ quan trọng để Hà Nội hoàn chỉnh hai đồ án quy hoạch, đồng bộ cùng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Đột phá để đột phá
Những năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị thế trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; có bề dày lịch sử, văn hóa với số lượng di sản, di tích lớn cùng hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú và đặc sắc, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Chính vì thế, việc cả hai bản quy hoạch chung của Thủ đô cũng như dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đều xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những ý tưởng mới để giúp Hà Nội có thể “đột phá” như kỳ vọng.
Góp ý cho Quy hoach chung Thủ đô, PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển đô thị theo hướng thông minh là xu hướng tất yếu đối với các đô thị hiện nay. Trong tương lai, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các đô thị hiển nhiên sẽ là các đô thị thông minh. Do đó, dù với tầm nhìn 30 năm hay dài hơn nữa, việc kiến tạo nền tảng và nhất quán thực hiện phát triển theo hướng đô thị thông minh từ ngày hôm nay không chỉ là nguyên tắc mà còn là “mệnh lệnh” cho các thành phố, trong đó có Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến của cả nước.
Từ thực tế phát triển đô thị hiện nay, PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa nhận định, về cơ bản, các nhà quy hoạch cũng như các chuyên gia kinh tế đa số mới chú trọng vào nền tảng kinh tế kỹ thuật, mà chưa đạt tới sự cần thiết phải kết hợp và hướng tới nền tảng kinh tế - xã hội tỉnh thức, trong khi đó biểu hiện của dạng đô thị này chính là đô thị thông minh và bản sắc.
“Tạo dựng hệ thống thể chế đột phá mới, việc này không chỉ riêng Hà Nội có thể làm được, đòi hỏi sự vào cuộc của Trung ương và các bộ, ngành liên quan về việc phối hợp trách nhiệm xây dựng thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, trở thành đô thị thông minh và bản sắc. Mọi sự nỗ lực của các cấp chính quyền Hà Nội sẽ là kém hiệu quả khi các quyết định của cấp Trung ương gây xung đột với định hướng nhất quán của Thủ đô. Do đó, để khắc phục, các thể chế đột phá cho Hà Nội phát triển cần được tính toán trong tổng thể. Trước mắt, xem xét phối hợp nguồn lực của Hà Nội với nguồn lực của Trung ương và sử dụng các nguồn lực của Trung ương trên địa bàn Thành phố cần có thể chế đột phá. Thiếu cơ sở thể chế sẽ khó thúc đẩy đội ngũ quản trị Thủ đô dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới”, PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa nhấn mạnh.
“Mệnh lệnh” thức tỉnh
Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị yêu cầu, giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi). Cụ thể, trong đó nêu rõ: “Chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch. Xác định khu vực dự trữ phát triển cho thế hệ tương lai”.
Ngoài ra, nhằm nâng tầm giá trị của trục cảnh quan sông Hồng đã được khẳng định trong nhiều năm qua, Bộ Chính trị nhấn mạnh Thành phố cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô. Trong đó, đặc biệt lưu ý cần có sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô. Từ đó, nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.
Đây cũng là vấn đề được nêu rõ trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), khi bổ sung nội dung giao UBND thành phố Hà Nội thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn, mà vẫn bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều. Đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về cho Thành phố, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có, nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh các yếu tố cốt lõi, Bộ Chính trị cũng “nhắc nhở” Hà Nội tiếp tục có những “dự trữ cho tương lai” khi tiếp tục thực hiện lộ trình và cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở cơ quan, trụ sở doanh nghiệp lớn ra ngoài nội đô. Bộ Chính trị nêu yêu cầu cụ thể: “Chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để ưu tiên xây dựng các bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung tâm chính trị Ba Đình; các không gian văn hóa, sáng tạo, không gian công cộng, công viên cây xanh...”.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị là căn cứ chính trị quan trọng để Hà Nội có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để hoàn thiện cả hai bản Quy hoạch, kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị cùng với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tao-dot-pha-xay-dung-do-thi-thong-minh-171309.html