Tạo dựng niềm tin cho người nghiện thoát khỏi ma túy

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập, 35 điểm tư vấn tại cộng đồng, thực hiện chức năng tư vấn, cai nghiện, một số điểm đã tham gia cấp phát Methadone tại tuyến xã có hiệu quả. Hiện cả nước có 2.165 đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã với 14.824 tình nguyện viên.

Các cơ sở cai nghiện tập trung đã có chính sách hỗ trợ nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Ảnh: CTV

Các cơ sở cai nghiện tập trung đã có chính sách hỗ trợ nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Ảnh: CTV

Những năm qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan đã tích cực phối hợp trong thi hành pháp luật về cai nghiện phục hồi. Giai đoạn từ 2009-2016, cả nước tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 51.962 lượt người, dạy nghề cho 2.677 lượt người; hỗ trợ tạo việc làm cho 1.762 lượt người. Từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng giảm mạnh, chỉ còn 5.687 lượt người, tương đương 58% năm 2013; năm 2017 còn 3.566 lượt người và năm 2018 còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người.

Về cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện: Giai đoạn 2009-2018, cả nước đã quản lý, cai nghiện bắt buộc cho 289.724 lượt người. Giai đoạn 2017-2018, trung bình hàng năm quản lý, cai nghiện cho khoảng 25.000 lượt người. Đồng thời các cơ sở cai nghiện công lập cũng tích cực thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện. Hàng năm, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đã tiếp nhận và cai nghiện tự nguyện cho trên 5.000 lượt người. Bình quân hàng năm các cơ sở cai nghiện tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập cũng đã tiếp nhận khoảng hơn 4.000 lượt người.

Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên song công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất. Tại Hội thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 20-12-2019, Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Luật xử lý vi phạm hành chính quy định cơ quan xử lý hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế rất khó xác định hoặc không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác trong việc khai báo các triệu chứng, đặc biệt là ma túy tổng hợp; Luật hiện hành không quy định việc tạm giữ người để theo dõi, làm xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện”.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cán bộ thực hiện công tác cai nghiện, hầu hết cán bộ tại trạm y tế đều kiêm nhiệm, không có phụ cấp cho việc tư vấn, chăm sóc và điều trị cai nghiện, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở cán bộ y tế phục vụ cho công tác cai nghiện chưa được đào tạo chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy, dẫn đến lúng túng khi điều trị cắt cơn cho người nghiện. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện còn thiếu và chưa phù hợp với tình hình hiện nay. Chưa kể, việc cai nghiện tại cộng đồng là do tự nguyện nên dù có cắt được cơn nghiện nhưng việc tiếp xúc, gặp gỡ người nghiện dẫn đến nguy cơ tái nghiện rất cao, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ chính quyền địa phương và sự động viên kịp thời của gia đình sẽ tác động rất xấu đến người nghiện, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy.

Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý lại chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, giám sát công tác cai nghiện tại cộng đồng. Công tác quản lý, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện mới chỉ được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn... nguồn kinh phí huy động lồng ghép còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến người nghiện không có việc làm, nảy sinh tâm lý chán nản và dễ quay lại với ma túy.

Để công tác cai nghiện tại cộng đồng đạt hiệu quả, thời gian tới, thiết nghĩ, các ban, sở, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, không xa lánh, kỳ thị, tạo dựng niềm tin cho người nghiện thoát khỏi ma túy. Việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng cần gắn trách nhiệm của gia đình có người nghiện ma túy cùng với chính quyền địa phương chung tay thực hiện... để công tác cai nghiện ma túy đạt hiệu quả cao.

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tao-dung-niem-tin-cho-nguoi-nghien-thoat-khoi-ma-tuy/