Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho xã hội hóa trong khám, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải giải quyết cho được những vấn đề mới phát sinh nhằm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế. Nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng qua, 13.6, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cần thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Chưa rõ cơ chế huy động, thu hút nguồn lực xã hội

Một trong những quan điểm xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình), các điều khoản trong dự thảo Luật chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về thực hiện xã hội hóa các dịch vụ khám, chữa bệnh. Cụ thể, quy định tại Điều 90 dự thảo Luật còn chung chung, chưa thể hiện được chủ trương bảo đảm sự bình đẳng giữa các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập; chưa cụ thể hóa được các chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân; chưa có sự phân tách giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào vùng khó khăn để khuyến khích xã hội hóa. Do vậy, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị, cần rà soát và bổ sung các nội dung nhằm bảo đảm sự đồng bộ, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng và các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế; đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt giữa công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế… đã được nêu rõ tại Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Từ thực tiễn công tác trong ngành y tế, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (TP. Hà Nội), Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội khẳng định, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh là giải pháp quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật chưa có gì mới, chủ yếu các quy định mang tính nguyên tắc, chưa làm rõ được cơ chế huy động thu hút nguồn lực xã hội cho công tác khám, chữa bệnh so với những quy định trước đây.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, khoản 3, Điều 90 dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp bởi thực tế sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành, các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn. Các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công của Nhà nước hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của ngành y tế. Nhấn mạnh điều này, ĐB Trần Thị Nhị Hà đề nghị, cần luật hóa các hình thức xã hội hóa cụ thể trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Cùng với đó, cần bổ sung thêm một khoản của Điều 90 quy định về việc Nhà nước khuyến khích các mô hình y tế phi lợi nhuận, đầu tư với trách nhiệm an sinh xã hội bằng các cơ chế ưu đãi đặc biệt về đất đai, tín dụng và thuế.

Chống biến tướng, lợi ích nhóm trong xã hội hóa khám, chữa bệnh

Xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước để bù đắp cho những thiếu hụt về ngân sách dành cho lĩnh vực y tế. Thực tiễn đã chứng minh sau một thời gian triển khai, chính sách này đã đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng nêu thực tế, quá trình triển khai chủ trương này trong thời gian qua đã nảy sinh nhiều vấn đề, được cử tri phản ánh như: tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế. Đáng lưu ý, do thiếu quy hoạch rõ ràng nên hiện nay đang có sự mất cân đối lớn trong huy động nguồn lực. Xã hội hóa, liên doanh, liên kết hiện nay chủ yếu mới tập trung ở những thành phố lớn và những nơi có điều kiện thuận lợi. Trong khi đó, ở những cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, rất cần xã hội hóa thì lại không thể xã hội hóa được, dẫn tới thiệt thòi cho những bệnh nhân ở khu vực này.

Theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Thị Thủy nhận thấy, việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập, ví dụ điển hình là vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết cao gấp hơn 5 lần giá trị thực, làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân đã sử dụng máy này.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tồn tại, bất cập nêu trên được ĐB Nguyễn Thị Thủy chỉ ra là do hành lang pháp lý cho công tác xã hội hóa trong khám, chữa bệnh chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện lẫn đơn vị tư nhân tham gia và nhất là dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và Nhà nước.

Đối chiếu thực tế với quy định tại dự thảo Luật, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhận thấy, dự thảo Luật chỉ có duy nhất Điều 90 quy định về xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong hoạt động khám, chữa bệnh; chưa tiếp thu đầy đủ nội dung Kết luận ngày 25.4.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nêu rõ việc phải nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay trong dự án Luật này.

"Nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Nếu Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong hoạt động khám, chữa bệnh sẽ giúp cho các bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại và sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân cũng như cho nền y tế nước nhà". Nhấn mạnh điều này, ĐB Nguyễn Thị Thủy kiến nghị, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bổ sung các cơ chế kiểm soát để chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm trong xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh. Cùng với đó, cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế thực sự là nhiệm vụ cấp thiết. Tuy nhiên, phải quy định cụ thể hơn về cơ chế xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh để khắc phục những bất cập hiện nay trong quản lý bệnh viện và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tao-hanh-lang-phap-ly-vung-chac-cho-xa-hoi-hoa-trong-kham-chua-benh-i291904/