Tạo không gian cho các trào lưu văn hóa mới phát triển

10 năm qua, TP Hà Nội đã không ngừng tạo không gian, điều kiện cho các trào lưu văn hóa mới và tích cực xuất hiện, phát triển từ cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng.

Ngày 6/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Viết Thành

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Viết Thành

Tạo không gian và điều kiện cho các trào lưu văn hóa mới

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh 3 điểm nổi bật đạt được trong 10 năm qua.

Thành ủy quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Trung ương.

Công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý. Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Chất lượng của các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng. Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội trên lĩnh vực thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả cao.

Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới được thực hiện chặt chẽ và đồng bộ từ thành phố tới cơ sở, trong đó môi trường mạng xã hội được quan tâm chỉ đạo.

Đặc biệt, thành phố luôn quan tâm chăm lo và phát huy được trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội. Tạo không gian, điều kiện cho các trào lưu văn hóa mới và tích cực xuất hiện, phát triển từ cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa

Ông Nguyễn Văn Phong cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; rút ra 7 bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Nghị quyết trên địa bàn Thủ đô; đồng thời đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết.

Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố quan tâm lãnh đạo để sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, phải liên thông, tích hợp thành hệ thống. Đặc biệt, cần lưu ý xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, quản lý văn hóa một cách chuyên nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm các chính sách mới liên quan đến vấn đề văn hóa để phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, nhất là đầu tư công, quản trị tư, nhượng quyền, liên kết; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây vừa là lợi thế của Hà Nội đồng thời cũng là trách nhiệm của Thủ đô với cả nước.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tao-khong-gian-cho-cac-trao-luu-van-hoa-moi-phat-trien-2339400.html