Tạo lập các không gian văn hóa đặc sắc

Khung định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được TP Hà Nội xây dựng và đang khẩn trương hoàn thiện.

Quy hoạch hai bên bờ sông để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch. Ảnh Hải Linh

Quy hoạch hai bên bờ sông để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch. Ảnh Hải Linh

Trong đó, quan điểm về tổ chức không gian trong giai đoạn tới nhấn mạnh chú trọng phát triển 4 không gian gồm: không gian ngầm, không gian số, không gian văn hóa, không gian công cộng. Đặc biệt, việc mở rộng các không gian văn hóa nhằm phát huy nguồn lực phục vụ phát triển được đơn vị tư vấn nghiên cứu với những ý tưởng mang tính đột phá.

Nhiều không gian văn hóa mới

Trong loạt hội thảo được tổ chức từ tháng 8/2023 về phương án phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải luôn nhấn mạnh, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là văn hóa và con người Hà Nội. Trong đó, không gian văn hóa được chú trọng mở rộng để phát triển hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô. Cũng từ định hướng này của TP, đơn vị tư vấn đã có nghiên cứu bước đầu định hình phát triển các không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô .

Trong đó, trục không gian sông Hồng được các đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch hai bên bờ sông để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch, liên kết với không gian Hoàng thành Thăng Long - Cổ Loa nhằm kết nối khu vực nội đô lịch sử với cửa ngõ phía Đông của TP.

Cụ thể, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, một trong những đơn vị thuộc liên danh tư vấn đã lên phương án quy hoạch đường cầu cạn chạy dọc hai bên sông Hồng sẽ là “tuyến đường di sản” phục vụ du lịch dịch vụ. Phía hữu ngạn sông Hồng sẽ là “con đường di sản” thể hiện lịch sử dựng nước và giữ nước. Đoạn trung tâm TP là đoạn đường lịch sử Hà Nội, tái hiện 60 ngày đêm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tuyến đường phía tả ngạn sông Hồng là tuyến đường "Việt Nam đất nước con người" để giới thiệu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của các vùng miền trên đất nước Việt Nam.

Đây cũng là không gian để tổ chức lễ hội văn hóa của các địa phương cả nước được tập hợp về đây nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, quy hoạch không gian ngầm tại khu vực nội đô gắn với bảo tồn, hạn chế phát triển khu vực trung tâm phố cổ. Đặc biệt, xây dựng khu vực Hồ Tây với chức năng là trung tâm văn hóa, công cộng, phát triển du lịch, khai thác cảnh quan, trở thành điểm nhấn của thủ đô
Hà Nội. Khai thác tiềm năng to lớn về văn hóa khu vực Hồ Tây góp phần phát triển Hà Nội xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại.

Quy hoạch đô thị khoa học công nghệ Hòa Lạc và Sơn Tây - khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai kết nối với cửa ngõ phía Tây và Tây Bắc gắn với khu bảo tồn làng bản các dân tộc thiểu số (Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các làng bản dân tộc Mường, Dao). Hình thành vùng không gian giữa sông Tích và sông Đáy đề xuất mô hình chuỗi, cụm làng nghề xanh, thông minh, lưu giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài nhưng vẫn hội nhập với kinh tế tri thức, công nghệ và có tính bổ trợ cho hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hình thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội dựa trên cấu trúc địa hình tự nhiên, gắn kết với hệ thống núi Ba Vì, hồ Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia như Quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh.

Phát triển các dự án vui chơi giải trí, du lịch sinh thái phục vụ Nhân dân Thủ đô và vùng phụ cận: khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồng Mô, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Khoanh vùng bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng như núi Thoong, sông Tích, sông Bùi…, kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Phát triển du lịch tâm linh, tín ngưỡng văn hóa di tích lịch sử với hệ thống các công trình di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp TP kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm.

Cùng đó, quy hoạch đô thị sinh thái Sóc Sơn, Mê Linh trên cửa ngõ phía Bắc gắn với hoạt động văn hóa, du lịch sinh thái - tâm linh. Quy hoạch đô thị Phú Xuyên - Thường Tín có sự kết nối với khu du lịch quốc gia Hương Sơn ở cửa ngõ phía Nam và Tây Nam có lợi thế trong bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái sông nước…

Quy hoạch làm đòn bẩy để phát triển và bảo tồn

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn chia sẻ, Hà Nội xác định mô hình phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại nhưng hiện đang thiếu nhiều không gian cho phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa. Do đó, trong quy hoạch Thủ đô rất cần tạo lập các không gian đô thị đặc sắc cho phát triển văn hóa nhằm xây dựng hiệu quả mô hình TP văn hiến, văn minh, hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho rằng, giai đoạn tới, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, không gian phát triển bắt đầu từ khu vực quảng trường Ba Đình với việc đặt Km0 và phục dựng văn hóa Hoàng Thành thời nhà Trần làm điểm nhấn thu hút khách tham quan.

Về khu vực đất bãi sông Hồng trong đó có qua huyện Thường Tín, đề xuất quy hoạch hình thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, thể dục thể thao, làm sân golf, khôi phục truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử, kết hợp với Văn Từ Thượng Phúc là nơi tôn vinh truyền thống khoa bảng đất danh hương, anh hùng.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với nghìn năm Thăng Long Hà Nội. TP Hà Nội đã có Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 17/3/2021 "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025", đưa ra những nội dung và yêu cầu rất cụ thể về phát triển văn hóa, phát triển con người Hà Nội.

Do đó, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, trong quá trình quy hoạch đô thị thời gian tới, Hà Nội cần đặc biệt lưu ý đến các không gian, công trình văn hóa. Trước hết là Hoàng thành Thăng Long. Đây là bộ mặt của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời cũng là bộ mặt quốc gia Đại Việt, đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, tuy nhiên vấn đề quy hoạch và quản lý, bảo tồn và phát huy vẫn còn những lúng túng. Tiếp đến là di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa, tòa thành đất có quy mô lớn nhất, một tòa quân thành, vương thành có niên đại lâu đời nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á, còn giữ được gần như nguyên vẹn cho đến nay. Tuy nhiên, tốc độ của quá trình đô thị hóa ở Đông Anh đang hằng ngày, hằng giờ ảnh hưởng tới các di tích này.

Bên cạnh đó, cần phát triển khu phố cổ Hà Nội, một số làng cổ, làng thủ công tiêu biểu và dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh… “Quy hoạch Thủ đô cần hướng đến phát triển mạnh hơn các giá trị văn hóa, công nghiệp văn hóa. Để Thủ đô Hà Nội vừa là TP văn minh, hiện đại, năng động, vừa giữ được nét cổ kính cùng những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến” - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc bày tỏ.

Vũ Cúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-lap-cac-khong-gian-van-hoa-dac-sac.html