Tạo lập môi trường đầu tư vượt trội

Với các lợi thế sẵn có cùng chiến lược thu hút đầu tư phù hợp, các địa phương vùng Đông Nam bộ tiếp tục đứng tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng của năm 2019.

Các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc. Trong ảnh: Công nhân vận hành máy tại một doanh nghiệp FDI trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh: B.Hân

Các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc. Trong ảnh: Công nhân vận hành máy tại một doanh nghiệp FDI trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh: B.Hân

Trong đó, TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu các tỉnh, thành trong vùng, tiếp đến là Bình Dương và Đồng Nai. Đây cũng là 3 địa phương nằm trong tốp 5 các tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động lớn nhất cả nước.

* Những “hạt nhân” hút vốn

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), trong 10 tháng của năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó các tỉnh, thành Đông Nam bộ tiếp tục chiếm giữ vị trí tốp đầu.

Cụ thể, TP.Hồ Chí Minh đứng thứ hai cả nước với tổng vốn đăng ký 4,96 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư, lũy kế đến tháng 10-2019, TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đăng ký 46,5 tỷ USD (chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư); tiếp đến là Bình Dương 2,64 tỷ USD và Đồng Nai 1,92 tỷ USD. Tỉnh Tây Ninh vươn lên đứng vị trí thứ 4 trong vùng Đông Nam bộ về thu hút FDI với tổng vốn 1,15 tỷ USD, tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu 895 triệu USD...

Nhờ tập trung triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, Bình Dương đã có những bước tiến vượt bậc trong thu hút đầu tư. Lũy kế đến ngày 20-10, Bình Dương có hơn 3,7 ngàn dự án FDI với tổng vốn 33,9 tỷ USD, xếp thứ 2 cả nước sau TP.Hồ Chí Minh.

Là tỉnh thuần nông miền biên giới gặp bất lợi về giao thông và nằm xa trung tâm kinh tế TP.Hồ Chí Minh, việc thu hút đầu tư vào tỉnh Tây Ninh trước đây khá ì ạch. Tuy nhiên, những năm gần đây, Tây Ninh đã vươn lên tốp đầu cả nước về thu hút FDI. Nếu năm 1985, tổng thu ngân sách của tỉnh này chỉ khoảng 3 tỷ đồng thì trong năm 2018, con số này đã đạt 7.663 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp FDI đóng góp trên 727 tỷ đồng. Từ một địa phương không có mặt hàng nào xuất khẩu, đến nay kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh đã đạt 4,2 tỷ USD, trong đó nhóm doanh nghiệp FDI đóng góp xấp xỉ 3,7 tỷ USD.

Từ việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong 10 tháng của năm 2019, khu vực Đông Nam bộ cũng dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với hơn 48,5 ngàn doanh nghiệp (chiếm 42,4% cả nước) và số vốn đăng ký là 675,3 ngàn tỷ đồng, tăng 3,6% về số doanh nghiệp và tăng 32,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh có hơn 36,9 ngàn doanh nghiệp (chiếm 76,2% của khu vực và chiếm 32,27% cả nước) với số vốn đăng ký là 560,3 ngàn tỷ đồng (chiếm 83,0% của khu vực và chiếm 39,1% cả nước).

* Đón dòng vốn FDI “xanh”

Có thể nói nguồn vốn FDI đã đóng góp quan trọng trong việc thay đổi chất lượng kinh tế - xã hội từ sản xuất công nghiệp đến hoạt động thương mại - dịch vụ và văn minh đô thị của các tỉnh, thành trong khu vực. Để đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như xu thế thu hút đầu tư “xanh”, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đã và đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao và thân thiện môi trường.

Với vai trò đầu tàu, trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.Hồ Chí Minh đang nỗ lực hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm môi trường. Theo đó TP.Hồ Chí Minh xác định đến năm 2020, kinh tế có vốn FDI phải trở thành một thành phần quan trọng, giúp nền kinh tế thành phố phát triển hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đưa thành phố giữ vững vai trò trung tâm tài chính, công nghiệp, dịch vụ, thương mại của cả nước và trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực và trên thế giới.

Trong 10 tháng của năm 2019, vùng Đông Nam bộ có 12,4 ngàn doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2018. Ở chiều hướng ngược lại, Đông Nam bộ cũng là khu vực có số doanh nghiệp giải thể lớn nhất với hơn 5,1 ngàn doanh nghiệp (chiếm 38,3% cả nước), tăng 21,6%. Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh cũng là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký với 11,1 ngàn doanh nghiệp, chiếm 28,5% cả nước.

Để thực hiện mục tiêu thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI, nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng nguồn vốn này, TP.Hồ Chí Minh tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cách mạng công nghiệp 4.0. Thành phố ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như: công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học - công nghệ...

Là địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Dương được nhận định có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện; luôn có định hướng kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua các tuyến quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn... Hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài đổ vào các khu công nghiệp.

Hiện nay, Bình Dương có khoảng 30 khu công nghiệp và một số khu công nghiệp đang trong giai đoạn thành lập đều được quy hoạch, định hướng xây dựng hạ tầng khá tốt. Bên cạnh các lĩnh vực thu hút đầu tư truyền thống, Bình Dương đang có chủ trương xây dựng một khu công nghiệp khoa học công nghệ để thu hút được các doanh nghiệp có công nghệ cao, các doanh nghiệp sáng tạo. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh.

Tại Đồng Nai, hệ thống giao thông kết nối dần hoàn thiện, nhiều công trình trọng điểm quốc gia được triển khai, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là những yếu tố để tỉnh tiếp tục là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức - Long Thành... tạo nên mạng lưới giao thông kết nối hoàn chỉnh.

Cùng với đó số vốn FDI được giải ngân với tỷ lệ cao cho thấy tín hiệu lạc quan của nền kinh tế, khi nhà đầu tư nhanh chóng rót vốn, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, máy móc nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà, Đồng Nai tiếp tục chính sách lựa chọn thu hút đầu tư, ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đặc biệt sẽ từ chối những dự án thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu...

Bảo Hân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201911/tao-lap-moi-truong-dau-tu-vuot-troi-2975330/