Tạo nên diện mạo mới của nông thôn, đô thị

Với việc xác định xây dựng 'Xã văn hóa nông thôn mới, Phường văn minh đô thị' là một trong những động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, các cấp ủy, chính quyền đã nỗ lực thực hiện các tiêu chí. Đến nay, toàn tỉnh có 28/71 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.

Xã văn hóa nông thôn mới Tâm Thắng

Xã Tâm Thắng (Cư Jút) là một trong những xã đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu "Xã văn hóa nông thôn mới" 6 năm liền của tỉnh. Có được thành quả này chính là nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của cả chính quyền và người dân ở cơ sở.

Theo ông Trần Thế Quang, Bí thư Đảng ủy xã Tâm Thắng, nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, duy trì an ninh trật tự tại địa phương, ngoài việc khuyến khích người dân xây dựng, phát triển kinh tế, địa phương còn vận động bà con thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và "Toàn dân chung tay xây dựng xã văn hóa nông thôn mới”.

 Đường hoa ở xã Tâm Thắng (Cư Jút) được bà con trồng, chăm sóc, tạo bộ mặt nông thôn thêm tươi mới. Ảnh: Lê Phước

Đường hoa ở xã Tâm Thắng (Cư Jút) được bà con trồng, chăm sóc, tạo bộ mặt nông thôn thêm tươi mới. Ảnh: Lê Phước

Cùng với việc thành lập và vận hành tốt Ban chỉ đạo phong trào, Ủy ban MTTQ xã trực tiếp hướng dẫn lồng ghép 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện, nhất là chú trọng đến tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất) và tiêu chí số 16 (văn hóa).

Tại các buổi họp dân, cấp ủy, chính quyền các thôn chủ động tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự nguyện đăng ký danh hiệu gia đình, thôn văn hóa. Việc bình xét gia đình văn hóa được thực hiện một cách công khai, minh bạch qua 3 vòng chấm chọn. Dựa trên kết quả bình xét, công nhận từng năm, địa phương phát động người dân tiếp tục đăng ký các danh hiệu văn hóa để có sự chung sức, đồng lòng trong việc giữ vững các tiêu chí. Các hoạt động văn hóa thể thao, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc luôn được người dân gìn giữ, phát huy.

Đến nay, xã Tâm Thắng có 2.834/3.040 hộ gia đình;1 9/19 thôn, buôn đạt danh hiệu văn hóa. Xã đã vận động xây dựng 9 sân bóng chuyền, 2 sân cỏ nhân tạo, 7 bàn bóng bàn… Nhờ vậy, chỉ đến năm 2016, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đến nay các tiêu chí này vẫn không ngừng được củng cố, phát triển có chiều sâu.

Điểm nổi bật nhất chính là công tác quy hoạch, xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm… Dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và ủng hộ của người dân, xã đã xây dựng trên 11,5km đường liên thôn; xây dựng mới khang trang Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi; các trường còn lại hàng năm đều được tu sửa; xây dựng và chuyển đổi thành công chợ Tâm Thắng đi vào hoạt động ổn định...

Bí thư Trần Thế Quang cho biết thêm: “Điểm nhấn của việc xây dựng "Xã văn hóa nông thôn mới" chính là xây dựng “Gia đình văn hóa” nên phải phát huy được vai trò, sức mạnh của người dân tham gia vào từng phong trào, nhiệm vụ cụ thể. Khi nhận thức được giá trị của gia đình văn hóa, người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như hưởng ứng các nội dung do chính quyền địa phương vận động”.

 Đồng bào Ê đê, xã Tâm Thắng (Cư Jút) gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống

Đồng bào Ê đê, xã Tâm Thắng (Cư Jút) gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống

Phường văn minh đô thị Nghĩa Đức

Nằm ở vị trí trung tâm, năm 2017, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đăng ký xây dựng “Phường văn minh đô thị” và luôn được Đảng ủy, chính quyền, người dân quan tâm thực hiện.

Để đạt được muc tiêu đề ra, Đảng ủy phường ban hành nghị quyết lãnh đạo và UBND phường xây dựng kế hoạch triển khai. Phường thành lập ban vận động ở các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị do người đứng đầu làm trưởng ban để tập trung tuyên truyền, chuyển tải những nội dung của việc xây dựng "Phường văn minh đô thị" đến từng khu dân cư để mọi người dân được biết và thực hiện.

Ngoài kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng, việc xây dựng mới nhiều nhà cao tầng và chỉnh trang nhà ở dân cư đã làm cho bộ mặt đô thị của phường ngày một đổi mới. Nhiều tuyến đường trên địa bàn phường được chỉnh trang xanh- sạch- đẹp. Ở các tổ dân phố có nơi thu gom rác thải tập trung, không để diễn ra tình trạng xả rác bừa bãi. Cây xanh công cộng, đất giao thông tĩnh, hệ thống cấp nước, thoát nước và chiếu sáng đô thị đạt theo quy định, hệ thống lưới điện được phủ kín.

Hàng năm, phường rà soát các tiêu chí chưa đảm bảo để tiếp tục tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện. Đến nay, toàn phường có 971/976 hộ gia đình, 5/5 tổ dân phố, 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, 90% hộ dân thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong việc cưới, tang và lễ hội. Đặc biệt, phường tận dụng các công trình công cộng của thành phố để biểu diễn, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao. Nhờ vậy, năm 2019, phường Nghĩa Đức được công nhận là “Phường văn minh đô thị”.

Ông Hoàng Công Hội, Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đức cho biết: “Xây dựng thành công danh hiệu đã khó nhưng việc giữ vững danh hiệu còn khó hơn. Do đó, phường luôn xác định xây dựng "Phường văn minh đô thị" là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn thể người dân mà mục tiêu cụ thể là xây dựng và giữ vững các danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Nhiệm kỳ 2020-2025, phường tập trung chỉ đạo rà soát các tiêu chí chưa đạt chuẩn văn minh đô thị để quyết tâm giữ vững danh hiệu và trở thành phường kiểu mẫu của thành phố”.

Tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tiêu chí về “Xã văn hóa nông thôn mới, Phường văn minh đô thị” có mục tiêu và nội dung cơ bản sát thực với các tiêu chí về văn hóa trong 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI (2015-2020), với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh có 28/71 (39,5%/20% NQ) xã, phường, thị trấn văn hóa nông thôn mới- văn minh đô thị, tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, đô thị của tỉnh.

 Buôn Nui, xã Tâm Thắng luôn giữ vững danh hiệu "Buôn văn hóa tiêu biểu" trong nhiều năm liền

Buôn Nui, xã Tâm Thắng luôn giữ vững danh hiệu "Buôn văn hóa tiêu biểu" trong nhiều năm liền

Những kết quả đạt được từ phong trào đã và đang tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Các phong trào xây dựng gia đình, làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, xóm làng và dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, nhiều việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài đã trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng. Điều đó chứng tỏ, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đã và đang đi vào thực tiễn đời sống.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-tinh-dak-nong-lan-thu-iv/tao-nen-dien-mao-moi-cua-nong-thon-do-thi-82021.html