Tạo nền tảng giáo dục vững chắc

Năm học 2020-2021- năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư số 32/2018 ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT (sau đây gọi tắt là CT GDPT 2018), tỉnh Phú Thọ

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tiên Dung, thành phố Việt Trì hào hứng với giờ tập viết (năm học 2020-2021).

(baophutho.vn) - Năm học 2020-2021- năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư số 32/2018 ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT (sau đây gọi tắt là CT GDPT 2018), tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là về chất lượng học sinh. Chủ động các điều kiện thiết yếu, kịp thời điều chỉnh, xử lý các vướng mắc phát sinh trên cơ sở coi trọng chất lượng, hiệu quả giáo dục và quyền lợi của phụ huynh, học sinh là những bài học kinh nghiệm quý giá tạo nền tảng để tỉnh tiếp tục thực hiện CT GDPT 2018 trong những năm tiếp theo.

Hiệu quả bước đầu
Bước vào năm học 2020- 2021, chị Nguyễn Thị Kim Anh - có con học lớp 1A Trường Tiểu học Dữu Lâu, thành phố Việt Trì có nhiều lo lắng, bởi đây là năm học đầu tiên thay sách giáo khoa (SGK) lớp 1 với phương thức dạy học mới, thêm vào đó có khá nhiều ý kiến trái chiều về chương trình, nên gia đình chưa định hướng được việc hỗ trợ con trong học tập như thế nào. Tuy nhiên, được nhà trường và giáo viên động viên, chị đã dành thời gian đồng hành cùng con, dần dần thấy con mình thích nghi nhanh, việc học tại trường cũng nhẹ nhàng, không áp lực. Kết thúc năm học, chị Lan rất phấn khởi khi con đọc thông, viết thạo, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, biết tự học, tự giác làm một số việc...Cô giáo Đỗ Thị Bẩy- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hùng, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn cho biết: Với địa bàn miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song năm học qua được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục và phụ huynh học sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên (GV) chủ động, tích cực nắm chắc chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục, ứng dụng CNTT, hệ thống sách mềm, kế hoạch bài dạy theo từng tuần phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh (HS) ở từng thời điểm khác nhau. Kết thúc năm học, HS có chuyển biến rõ rệt về kiến thức và kỹ năng. Cơ bản các em đã đọc, viết, tính toán tốt, tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp, tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Từ kinh nghiệm thực hiện CT GDPT 2018 năm học 2020 - 2021, việc chuẩn bị cho CT GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022 được ngành và chính quyền các cấp thực hiện sớm hơn, chủ động hơn.
Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có trên 30 nghìn học sinh lớp 1 tại 295 cơ sở giáo dục tiểu học. Để triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 1 đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản kịp thời, đúng quy định để tổ chức triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh. Sở thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ ở một số trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng điều kiện để thực hiện CT GDPT 2018; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai thực hiện CT GDPT 2018. Sở GD&ĐT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.
Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở, các trường thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình giáo dục theo quy định hiện hành, xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày. Khi thực hiện, giáo viên dạy lớp 1 được tư vấn, hỗ trợ từ nhiều phía, khai thác được nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau qua internet. Thời gian đầu triển khai CT GDPT 2018 cũng có những vướng mắc do sách giáo khoa còn nhiều “sạn”, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về chương trình đổi mới, các trường học đã tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh, đồng thời thường xuyên tổ chức họp chuyên môn, đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh kế hoạch giảng dạy sao cho hiệu quả hơn...Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Việc triển khai thực hiện CT GDPT 2018, thay SGK lớp 1 đảm bảo và đạt hiệu quả; chất lượng giáo dục HS ổn định và tăng hơn so với năm học trước. Đặc biệt, kỹ năng đọc của HS so với cùng kỳ năm học trước được cải thiện nhiều. Kết thúc năm học, số HS hoàn thành chương trình lớp học là 29.509/30.191 HS tham gia đánh giá, đạt tỷ lệ 97,74% (tăng 0,14% so với năm học 2019-2020). Trong đó, có 38,39% hoàn thành xuất sắc, 21,62% hoàn thành tốt và 37,73% hoàn thành. Đây là cơ sở để ngành GD&ĐT tổ chức thực hiện CT GDPT 2018 trong những năm học tiếp theo.

Trường THCS Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu từ lớp 6.
Hành trình tiếp theo
Theo lộ trình, năm học 2021 - 2022, CT GDPT 2018 sẽ triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Hiện nay, các nhà trường đã và đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng tâm thế bắt nhịp chương trình đề ra. Theo đồng chí Vi Đại Phong- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Sơn, việc triển khai CT GDPT 2018 ở lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn huyện có nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất. Hiện nay, toàn huyện có 27 trường tiểu học, 25 trường THCS, tỉ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 90,38%. Hệ thống phòng học, trang thiết bị dạy học cũng được quan tâm đầu tư, mua sắm, bổ sung, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường luôn nhận thức tầm quan trọng của CT GDPT 2018, chủ động nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin từ ngành GD&ĐT để trang bị cho mình những kiến thức đáp ứng yêu cầu. Với tinh thần sẵn sàng cho chương trình mới, các trường đã có định hướng chung cho giáo viên về việc dạy học chuyển từ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Song song với đó thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện học sinh và nhu cầu phát triển của xã hội. Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho thực hiện CT GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, cùng với sự chủ động từ mỗi địa phương, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, GV; tập huấn triển khai CT GDPT 2018; rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thực trạng đội ngũ GV, qua đó từng bước bổ sung, tăng cường cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Hướng dẫn, chỉ đạo sát sao việc lựa chọn SGK theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT. Các thành viên Hội đồng lựa chọn SGK đã bỏ phiếu, lựa chọn và trình UBND tỉnh xem xét. UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022. Cụ thể, danh mục SGK lớp 2 gồm các môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm. 8 đầu sách này đều thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Đối với danh mục SGK lớp 6 gồm các môn: Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật (Âm nhạc), Nghệ thuật (Mỹ thuật), Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý nằm trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Riêng môn Tiếng Anh sử dụng bộ sách I-Learn Smart World do Nhà xuất bản Đại học sư phạm T.P Hồ Chí Minh phát hành. Hiện nay, Công ty CP Sách và thiết bị giáo dục đã xây dựng kế hoạch, đảm bảo cung ứng đủ theo đăng ký của các cơ sở giáo dục trước năm học mới.Tin tưởng, với sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, sự quyết tâm của toàn ngành, sự nỗ lực từ mỗi cán bộ, GV, CT GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai hiệu quả.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202108/tao-nen-tang-giao-duc-vung-chac-178482