Tạo nhu cầu vốn, thúc tăng trưởng tín dụng

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% được cho rằng vượt nhu cầu thật về vay vốn. Để thúc đẩy tăng trưởng, các ngân hàng phải tạo ra nhu cầu mới của doanh nghiệp và người dân.

 Sau 10 tháng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đi được khoảng 2/3 chặng đường

Sau 10 tháng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đi được khoảng 2/3 chặng đường

Linh hoạt hơn với các khoản vay

Tăng trưởng tín dụng có sự cải thiện tích cực so với các tháng đầu năm cũng như cùng kỳ năm ngoái, song ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, sức hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế vẫn còn hạn chế.

Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Việt Âu cho biết, hoạt động kinh doanh của Công ty chưa có sự khởi sắc. Trong 10 tháng đầu năm nay, doanh thu của Thủy sản Việt Âu mới chỉ tương đương 50% cùng kỳ năm 2022 - giai đoạn tăng trưởng tích cực của doanh nghiệp.

“Do vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan, chúng tôi cố gắng vun vén trong nguồn vốn sẵn có, không vay ngân hàng”, ông Tịnh nói.

Khó khăn, vướng mắc trong việc thúc đẩy cho vay của các ngân hàng cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ rõ: Thứ nhất, nền kinh tế đang trong xu hướng phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, nên cầu tín dụng khó có sự đột phá. Một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước còn nhiều khó khăn như sản xuất (đồ uống, trang phục, máy móc, phương tiện vận tải, vật liệu xây dựng); khai khoáng; kinh doanh bất động sản; một số ngành dịch vụ khác. Thứ hai, sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời, xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp. Thứ ba, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, hoặc giải ngân vốn vay do những vướng mắc về thủ tục pháp lý của dự án (đất đai, phòng cháy chữa cháy...), năng lực tài chính suy giảm, mất cân đối dòng tiền, thiếu phương án sản xuất - kinh doanh khả thi…

Trong nỗ lực thúc đẩy tín dụng những tháng cuối năm, giai đoạn cao điểm của tăng trưởng, các ngân hàng đã công bố hàng loạt chương trình cho vay với những ưu đãi hấp dẫn. Chẳng hạn, SHB đã nâng quy mô của Chương trình “Tiếp sức vốn vay - Đường dài vững bước” từ 11.000 tỷ đồng lên tới 16.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 4,8%/năm dành cho các doanh nghiệp trong ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như nông, lâm sản; xây dựng; dược, thiết bị y tế; hàng tiêu dùng; điện, viễn thông… Khách hàng doanh nghiệp không thuộc các lĩnh vực ưu tiên có thể vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 5,8%/năm, vay mua ô tô với lãi suất từ 6,5%/năm.

MSB cũng vừa ra mắt giải pháp cấp tín dụng trung, dài hạn mới với tên gọi M-Future. Với gói vốn này, tỷ lệ tài trợ lên tới 80% tổng mức đầu tư dự án.

“M-Future tham gia tài trợ ngay từ khi ký kết hợp đồng giao dịch hoặc khi bắt đầu triển khai hoạt động xây dựng, đảm bảo doanh nghiệp có nguồn vốn kịp thời và linh hoạt ngay từ giai đoạn đầu của dự án. Điểm cộng nữa của giải pháp này là sự linh hoạt trong tài sản đảm bảo với tỷ lệ tài trợ vốn lên tới 70%, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa nguồn lực tài chính của mình”, lãnh đạo MSB nhấn mạnh.

Với những nỗ lực đưa ra các chính sách cho vay ưu đãi, linh hoạt để đẩy vốn vào nền kinh tế của các ngân hàng, không ai khác ngoài khách hàng đang hưởng lợi.

Chị Hương Thủy (Hà Nội) kể, chị có kế hoạch mở một kios nhỏ để bán mỹ phẩm kèm dịch vụ làm đẹp nhưng nguồn vốn tự có không đủ. Thông qua một người bạn, chị ướm thử việc vay vốn một ngân hàng tư nhân.

“Thật bất ngờ, món vay có vài trăm triệu đồng nhưng được nhân viên ngân hàng hỗ trợ xúc tiến các thủ tục rất nhanh, chu đáo với mức lãi suất hợp lý”, chị Hương Thủy nói.

Thanh Phúc, cán bộ tín dụng một ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chia sẻ trường hợp một khoản vay có tài sản thế chấp của khách hàng đã được hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm, song bởi vài lý do khách quan, khách hàng yêu cầu được hưởng chính sách thanh toán khoản vay trước thời hạn không bị phạt trả trước. Sau khi cân đối mọi khía cạnh, để thúc đẩy doanh số cho vay nên chi nhánh nơi cô làm việc đã chấp nhận điều kiện này.

“Nếu như các năm trước, khách hàng không thể đặt điều kiện như vậy với ngân hàng, nhưng giai đoạn hiện nay lại mang đến những cơ hội không tưởng như vậy”, Phúc nói.

Kỳ vọng cầu vốn sẽ tăng về cuối năm

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP của Việt Nam tăng 7,4% so với cùng kỳ trong quý III/2024, đánh dấu mức tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ mức tăng hơn 13,7% vào quý III/2022 sau khi Chính phủ mở cửa kinh tế hậu Covid-19. Mức tăng trưởng này vượt dự báo của các định chế tài chính, tổ chức nghiên cứu lớn trong và ngoài nước, cũng như gây bất ngờ lớn cho thị trường. Theo đó, ngành công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, đạt 9,1% so với cùng kỳ trong quý III/2024. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Số lượng đơn đặt hàng sản xuất cao gần kỷ lục từ tháng 6 đến tháng 8 đã thúc đẩy hoạt động sản xuất, thể hiện qua mức tăng 11,4% so với cùng kỳ trong quý III, tăng từ 10,4% trong quý II.

Đáng chú ý, theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, khu vực dịch vụ chứng kiến tốc độ tăng trưởng mở rộng trong quý III, đạt 7,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 7,1% của quý trước. Hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cải thiện đáng kể nhờ tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản phục hồi, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng đạt 8,4% so với cùng kỳ trong quý III, tăng từ mức 6,1% trong quý trước. Nhóm ngành bất động sản cũng cải thiện tốc độ tăng trưởng lên 3,9% so với cùng kỳ, tăng từ mức 2,4% trong quý II và 1,8% trong quý I, thể hiện sự phục hồi ổn định nhờ các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng tiêu dùng nội địa vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng.

Ông Hinh kỳ vọng một số yếu tố sẽ hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ trong những tháng còn lại của năm nay sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, bao gồm: Một là, hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục mở rộng sẽ từng bước nâng cao thu nhập và tiết kiệm của người lao động. Hai là, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn trong nửa cuối năm 2024, bao gồm thực hiện tăng lương cơ bản 30% cho nhân viên khu vực công và tăng 15% lương hưu bắt đầu từ tháng 7/2024; đồng thời, giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước từ tháng 9 đến tháng 11/2024. Ba là, áp lực lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể khi CPI tháng 9 chỉ tăng 2,63% so với cùng kỳ. Bốn là, Ngân hàng Nhà nước công bố chuyển hướng sang điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn trong những tháng cuối năm 2024, ưu tiên hỗ trợ và tăng trưởng thanh khoản hệ thống.

“Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, sự phục hồi của cho vay tiêu dùng và sự phục hồi của thị trường bất động sản”, ông Hinh nhấn mạnh.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 25/10/2024, dư nợ tín dụng đạt 14.853.913 tỷ đồng, tăng 9,46% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 6,85% so với đầu năm). Khẳng định các tổ chức tín dụng còn khá nhiều dư địa về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tao-nhu-cau-von-thuc-tang-truong-tin-dung-post357259.html