Tạo sân chơi cho trẻ em ở nông thôn

Ngày nghỉ cuối tuần, mấy đứa trẻ trong xóm ở vùng ngoại thành quê tôi hò nhau ra ngoài đường chơi. Con đường bê tông liên xã mới xây dựng có nhiều phương tiện xe máy, công nông chạy qua. Đang nô đùa, hễ thấy xe, đám trẻ dạt vào, đợi xe qua lại ùa ra.

Cứ thế cuộc vui của chúng bị ngắt quãng giữa chừng không biết bao nhiêu lần. Dù không thích lắm nhưng bọn trẻ cũng không có sự lựa chọn nào khác. Ở vùng ngoại thành, nơi mọi người vẫn thường gọi là “nửa quê nửa tỉnh” này, tìm được chỗ chơi cho trẻ là điều không dễ dàng.

Trên thành phố, mọi người cứ nghĩ về quê đất rộng người thưa, tha hồ bay nhảy. Ở quê, con cái nhà anh em họ hàng, xung quanh hàng xóm đều quen biết nhau, cứ thế mà vui chơi nô đùa. Rồi ở quê lắm trò vui gắn với thiên nhiên, tha hồ mà khám phá trải nghiệm, nhưng đó là thời cách đây đã khá xa. Ở quê bây giờ, trẻ không còn lăn lê trên đất để bắn bi, nhảy dây, đánh khăng, nặn đất nữa. Nhu cầu của trẻ là những khu vui chơi giải trí hiện đại với cầu trượt, nhà bóng, đu quay... Các thiết bị vui chơi đó may ra thì có trong trường học, trong khi ở địa phương hầu như không có.

Ở thành phố, ngoài khu vui chơi công cộng, các gia đình có thể đưa trẻ đến các điểm vui chơi tập trung, công viên, siêu thị với rất nhiều trò hấp dẫn, thú vị. Bên cạnh đó, trẻ có cơ hội tham gia các lớp học về năng khiếu, thể thao, nghệ thuật...

Vậy trẻ con ở nông thôn sẽ vui chơi ở đâu và chơi trò gì? Tất nhiên là trẻ sẽ vui chơi theo kiểu “tự biên, tự diễn”, nghĩa là nghĩ ra trò gì thì chơi trò ấy. Có thể là đá bóng, đạp xe dưới lòng đường, bơi lội ao hồ, hay chơi game, đánh bài... Những trò chơi đó hoặc là không an toàn, hoặc là thiếu lành mạnh. Trong khi đó, phụ huynh thì bận bịu công việc nên hầu như không kiểm soát được các hoạt động của con. Trẻ thì chưa ý thức được hết những trò chơi mình tham gia, khi bạn bè rủ rê, lôi kéo rất dễ xảy ra tai nạn hay nhiễm phải những thói hư tật xấu.

Thực tế ở nhiều vùng nông thôn, diện tích đất phục vụ mục đích công còn nhiều, có thể xây dựng thành các điểm vui chơi nhưng lại không được quy hoạch vì thiếu kinh phí xây dựng. Hầu hết các địa phương ở nông thôn có nhà văn hóa nhưng chủ yếu để hội họp hoặc đóng cửa, không có hoạt động cho thiếu nhi. Thế nên, để có một không gian vui chơi với đầy đủ các thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm cho trẻ em ở các vùng quê là điều khó khăn đối với nhiều địa phương.

Để trẻ phát triển toàn diện, đòi hỏi không chỉ có sức khỏe, thể lực tốt mà cần phải được vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần. Vì vậy, việc tổ chức sân chơi cho trẻ là điều rất cần thiết. Các địa phương nên dành một địa điểm hợp lý, tạo không gian vui chơi công cộng. Quỹ đất rộng có thể quy hoạch thành sân bãi để trẻ có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi vận động. Muốn vậy ngoài kinh phí của trên, địa phương cần phát huy tốt nguồn nội lực bằng việc đóng góp của các gia đình ủng hộ cho con em mình có phương tiện vui chơi. Mặt khác, chính quyền địa phương cần kết hợp với nhà trường tuyên truyền, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết, nhất là những nơi có ao hồ, đường giao thông giúp trẻ có kỹ năng ứng phó với tình huống xấu xảy ra, tránh tai nạn thương tích. Có như vậy sân chơi ở nông thôn mới trở thành địa điểm lý thú, an toàn đối với trẻ em.

VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tao-san-choi-cho-tre-em-o-nong-thon-631931