Tạo sân chơi miễn phí cho trẻ em nghèo

Thời gian qua, việc mở rộng sân chơi cho trẻ em luôn nhận được sự quan tâm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhất là đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tạo ra sân chơi miễn phí cho trẻ em nghèo là món quà ý nghĩa mà các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân dành tặng cho các em với mong muốn nhận lại được những nụ cười hạnh phúc.

Đoàn viên thanh niên xã Yên Đồng xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em tại địa phương.

Đoàn viên thanh niên xã Yên Đồng xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em tại địa phương.

Vào mỗi buổi chiều, tại nhà văn hóa xóm Thái Bình, xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) luôn rộn ràng tiếng cười đùa của các bạn nhỏ vì các em đã có một điểm vui chơi miễn phí, lại vô cùng độc đáo. Độc đáo bởi nó được làm hoàn toàn từ phế liệu tái chế thành đồ vui chơi.

Với mong muốn trẻ em nơi miền quê nghèo có được sân chơi bổ ích những ngày nghỉ hè, Đoàn xã Yên Đồng phối hợp với chi đoàn xóm Thái Bình xây dựng và đưa vào sử dụng sân chơi cho trẻ em làm từ đồ tái chế.

Chỉ với kinh phí ban đầu là 3 triệu đồng và 11 lốp xe ô tô cũ, cùng với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của đoàn viên thanh niên xã, các em nhỏ đã được trải nghiệm ngay sân chơi thú vị, vừa đẹp mắt, vừa tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Chị Trần Thị Nga, Bí thư Đoàn xã Yên Đồng - người sáng tạo mô hình "Hành trình thứ 2 của lốp xe" cho biết: Sở dĩ tôi đặt tên như vậy là do, hành trình thứ nhất lốp xe làm nhiệm vụ chính, hành trình thứ hai được tái chế thành đồ chơi, bền đẹp và không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tiết kiệm phần chi phí không nhỏ và giúp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Làm đồ chơi từ tái chế lốp xe thoạt đầu tưởng chừng đơn giản nhưng để tạo ra đồ chơi đẹp, phù hợp với lứa tuổi, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo.

Vì vậy, khi thực hiện, các đoàn viên mất khá nhiều công sức để làm sạch lốp xe, sơn vẽ lên các bề mặt của lốp sao cho bắt mắt, các mối hàn chắc chắn. Nhờ mới lạ, mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú, không giống với các đồ chơi được sản xuất đại trà trên thị trường, nên trẻ em rất thích.

Sự hưởng ứng của trẻ em và người dân trong xã là động lực giúp các cán bộ Đoàn cơ sở chúng tôi nhân rộng mô hình này, để mọi trẻ em trong xã đều có điểm vui chơi ngày hè, rộng rãi, an toàn và hoàn toàn không mất phí.

Đối với trẻ em ở thành phố, thời gian qua, thành phố Ninh Bình cũng đã đầu tư nhiều hạng mục công trình, xây dựng các điểm vui chơi, giải trí công cộng miễn phí cho trẻ, như Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế; lắp đặt trang thiết bị thể dục và bộ đồ chơi vận động ngoài trời tại Phố đi bộ; khu vực bờ sông Vân đoạn từ cầu Lim đến cầu Vũng Trắm được cải tạo và đầu tư các bộ đồ chơi như bập bênh, cầu trượt, đu xà...

Tại các phường, xã cũng quan tâm xây dựng, cải tạo nhà đa năng, nhà văn hóa, sân bóng do phường quản lý, trở thành địa điểm lý tưởng để các em vui chơi, giải trí.

Ngoài việc tham gia các sân chơi và hoạt động hè tự do, các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được tạo điều kiện tham gia các câu lạc bộ, các đội nhóm, các lớp kỹ năng tại Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh.

Ông Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình cho biết: Năm nay, ngoài những khóa học có thu phí, để tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ, trong đó có sự hỗ trợ đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Trung tâm có nhiều thay đổi trong khóa học. Như xây dựng nhiều lớp và CLB hoạt động miễn phí như lớp bơi, CLB "Giá trị sống", CLB "Quyền trẻ em", CLB "Rèn luyện đội viên"...

Anh Tống Thanh Bình, Phó ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh Đoàn Ninh Bình chia sẻ: Những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã chú trọng xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em, trong đó, đặc biệt quan tâm tới trẻ em nghèo. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 217 điểm, cơ sở vui chơi miễn phí cho trẻ, bao gồm các sân bóng, nhà văn hóa, thư viện, điểm vui chơi, tập luyện thể dục thể thao...

Về phía Tỉnh đoàn, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh chú trọng đầu tư, xây dựng 153 sân chơi cho trẻ tại cộng đồng, chủ yếu là các trò chơi phát triển vận động như: cầu trượt, xích đu, cầu bập bênh, sân bóng đá, xà đơn, xà kép...

Cùng với đó, thành lập hàng nghìn CLB văn hóa, thể thao, tìm hiểu tri thức khám phá cuộc sống, các chương trình trải nghiệm, chương trình giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi như trại hè, "Hành trình đến địa chỉ đỏ".

Trong đó, chú trọng một số kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích, sơ cấp cứu, phòng cháy và tự bảo vệ bản thân khi hỏa hoạn, kỹ năng an toàn khi tham gia môi trường mạng...

Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những địa phương thiếu sân chơi cộng đồng cho trẻ. Tại nhiều khu vực, nhiều nơi, thiếu các điểm vui chơi công cộng, khiến không ít trẻ em, trong đó có trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn không được tham gia các sân chơi và hoạt động hè bổ ích.

Cũng theo anh Tống Thanh Bình, Phó ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn Ninh Bình, trong hơn 2 năm qua, các hoạt động vui chơi của trẻ bị hạn chế do dịch COVID-19. Mùa hè này chính là thời điểm lý tưởng để các em được tham gia các hoạt động cộng đồng, vận động thỏa sức, kết nối, tương tác với bạn bè và môi trường xung quanh.

Việc quan tâm, tạo ra sân chơi cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo là rất cần thiết. Trước hết, cần tăng cường vai trò của Đoàn thanh niên các cấp phối hợp các nhà trường và các cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức nhiều hơn nhiều hoạt động hè cho các em, bảo đảm vui, khỏe, an toàn, bổ ích.

Hoạt động nào cần kinh phí thì kêu gọi sự chung tay góp sức của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phụ huynh.

Hình thức tổ chức các sân chơi hè cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm từng vùng, từng địa phương để thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em, giúp cho mùa hè của các em thêm ý nghĩa và an toàn.

Bài, ảnh: Lan Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tao-san-choi-mien-phi-cho-tre-em-ngheo/d2022061516039199.htm