Tạo sinh kế cho hội viên

Hỗ trợ hội viên khởi nghiệp và phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ mà Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Ðà Lạt đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm qua. Bằng nhiều hình thức, Hội đã giúp nhiều chị em phụ nữ tại Ðà Lạt vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ kinh tế gia đình.

Bà Trần Thị Mỹ Thành trong vườn dâu tây công nghệ mới của mình

Bà Trần Thị Mỹ Thành trong vườn dâu tây công nghệ mới của mình

TÂM HUYẾT VỚI CÔNG TÁC HỘI

Đến thăm nhà bà Trần Thị Mỹ Thành, Tổ 4, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên xen lẫn thích thú về màu xanh mát mắt từ thửa vườn trồng cà rốt mênh mông của gia đình bà.

Nhà bà Thành có khoảng 2 ha chuyên canh cà rốt quanh năm, sản lượng đạt gần 60 tấn cho 3 tháng canh tác. Hoa lợi từ vườn cà rốt này mang lại một nguồn thu ổn định cho gia đình bà trong nhiều năm nay. Ngay trong mùa dịch này, bà Thành cũng không lo lắng lắm vì đã được nhà buôn đặt cọc tiền mua hàng trước đó, khoảng 50% cho diện tích cà rốt này.

Trong năm 2019, sau khi tìm hiểu kỹ càng, gia đình bà đã thử chuyển 1 sào đất để trồng dâu tây sạch trên giá thể theo công nghệ canh tác mới trong nhà kính, có hệ thống tưới nhỏ giọt, có kết nối máy tính và điện thoại thông minh điều khiển mọi việc.“Dâu giá thể canh tác không quá khó nhưng cần thường xuyên theo dõi và chăm sóc” - bà Thành cho biết.

Nhờ theo đúng qui trình nên vườn dây tây công nghệ của bà Thành trái to và ngọt hơn so với dâu trồng truyền thống trong vùng. Dâu sạch nên có giá thành khá cao, từ 400 đến 500 nghìn đồng/kg. Sản phẩm dây tây sạch của gia đình bà đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của Đà Lạt với nhãn hiệu Nam Anh Farm, được đóng hàng đưa đi tiêu thụ nhiều nơi trong nước. Ăn nên làm ra từ vườn dâu này nên gia đình bà Thành mở rộng diện tích lên thành 3 sào với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Tại xã Xuân Thọ, Nam Anh Farm là một địa chỉ tiêu biểu về du lịch canh nông với rất nhiều du khách đến tham quan.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Thành còn tham gia công tác xã hội, là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thọ và là một tấm gương điển hình của Hội Phụ nữ Đà Lạt về sự nhiệt tình, giúp đỡ các hội viên trong xã phát triển sinh kế, vươn lên trong cuộc sống.

Theo bà Thành, Xuân Thọ có trên 1.000 hội viên là phụ nữ, đa số sinh sống bằng nông nghiệp, canh tác rau, hoa. Có nhiều người trong đó làm ăn khá giả, nhưng cũng có không ít người gia cảnh còn rất khó khăn.

Để giúp đỡ cho hội viên làm ăn, phát triển sản xuất, Hội Phụ nữ xã Xuân Thọ đã thành lập mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, tổ chức các nhóm “Vần đổi công”, trong đó các hội viên luân phiên giúp đỡ ngày công cho nhau; thành lập và vận hành mô hình “5 giúp 1”, trong đó 5 người cùng giúp một người. Với những trường hợp khó khăn vì bệnh tật, vì những chuyện bất khả kháng thì có mô hình “Hũ gạo tình thương”.

Hiệu quả nhất là mô hình “Tài chính tự quản” tại xã. Theo bà Thành, mô hình này bắt đầu từ năm 2019, đến nay tổng quỹ đã lên đến hơn 500 triệu đồng. Trong 5 năm qua, mô hình đã giúp gần 50 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về vốn sản xuất, hỗ trợ sinh kế.

Trong thời gian qua, từ nguồn vận động tài trợ, Hội Phụ nữ xã Xuân Thọ đã xây dựng 3 mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã; trong 5 năm qua, Hội cũng giúp được 5 hội viên phụ nữ là chủ hộ thoát nghèo; đến nay, xã Xuân Thọ không còn hộ nghèo.

GIÚP HỘI VIÊN THOÁT NGHÈO

Với trên 24,6 nghìn hội viên, theo bà Phan Thị Xuân Thảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Lạt, phát triển sinh kế, giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ sản xuất, từ kinh tế hộ gia đình là một nhiệm vụ quan trọng mà Hội luôn quan tâm lâu nay.

Để đồng hành cùng chị em phụ nữ, hàng năm, các cấp cơ sở Hội đều tiến hành rà soát tình hình hội viên, nhất là các hội viên nghèo, khó khăn để có kế hoạch giúp đỡ cụ thể thông qua các tổ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, các mô hình hỗ trợ sinh kế, giúp phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay.

Hội lâu nay còn phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp thành phố, Hội Nông dân thành phố, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố mở các lớp tập huấn, dạy nghề và giải quyết việc làm cho hội viên. Trong những năm qua, Hội đã tạo việc làm cho hơn 1 nghìn lao động nữ với thu nhập ổn định 4 triệu đồng mỗi tháng; các cấp Hội cũng đã giúp được 21 hội viên phụ nữ thoát nghèo.

Đặc biệt, với mô hình “5 giúp 1” đã được các chi hội của 16 xã, phường trong thành phố duy trì hiệu quả. Hằng năm, có trên 300 lượt chị được giúp đỡ với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Theo bà Thảo, đến nay các cấp Hội trong toàn thành phố cũng đang thực hiện rất tốt Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Trong 5 năm qua đã có 634 hộ gia đình đạt tiêu chí này, nâng tổng số gia đình toàn thành phố đạt các tiêu chí cuộc vận động lên trên 23 nghìn hộ.

Cùng với phát triển sản xuất, các cấp Hội cũng vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường, xử lý rác thải tại nguồn trong sản xuất nông nghiệp, thành lập các mô hình tiết kiệm từ phế liệu, vận động lập quỹ xây dựng “Mái ấm tình thương”, lập quỹ giúp đỡ hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hoạt động trồng và chăm sóc “Hàng rào hoa, xanh”, xây dựng “Tuyến đường hoa, xanh, sạch, đẹp”...

Như bà Thảo chia sẻ, phụ nữ Đà Lạt đã có các đóng góp ngày càng nhiều hơn trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; góp phần không nhỏ giúp Đà Lạt giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 137 hộ năm 2016 xuống còn 23 hộ năm 2019 và không còn hộ nghèo trong năm 2020.

VIẾT TRỌNG - NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202110/tao-sinh-ke-cho-hoi-vien-3082042/