Tạo sinh kế gắn với bảo vệ rừng ở Vân Hồ
Những năm qua, cùng với việc phát triển những loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và các cộng đồng nhận giao khoán, bảo vệ rừng, huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh phát triển mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng, góp phần tạo sinh kế từ rừng, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Trên địa bàn huyện Vân Hồ hiện có gần 1.000 ha cây sa nhân trồng dưới tán rừng, tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Yên, Mường Men, Quang Minh... Được biết, cây sa nhân là một loại dược liệu có giá trị kinh tế khá, có đặc tính ưa bóng mát, phát triển tốt ở những nơi có độ ẩm lớn, phù hợp để trồng xen ở diện tích đất trống dưới tán rừng. Ông Đinh Văn Thuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ, cho biết: Việc trồng cây sa nhân dưới tán rừng không chỉ tạo sinh kế từ rừng, tăng nguồn thu cho người dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ rừng, bởi loại cây dược liệu này khi trồng dưới tán rừng sẽ tạo một tầng thảm thực vật giúp tăng độ ẩm, hạn chế tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, giảm nguy cơ cháy rừng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Do vậy, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị kinh tế, lợi ích khi trồng cây sa nhân dưới tán rừng; vận động người dân tận dụng đất dưới tán rừng trồng xen cây sa nhân để có thêm nguồn thu nhập; đồng thời, chỉ đạo cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cây sa nhân dưới tán rừng theo đúng quy định, tránh việc xâm lấn, phá hoại, ảnh hưởng đến rừng.
Chúng tôi về xã Chiềng Yên, một trong những xã phát triển mô hình cây sa nhân dưới tán rừng. Ông Đỗ Minh Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chiềng Yên là xã có độ che phủ rừng lớn đạt trên 70%. Do vậy, từ trước đến nay, bà con chủ yếu sống phụ thuộc vào nghề rừng. Bên cạnh việc trồng các loại lâm sản có giá trị kinh tế, xã đã vận động bà con tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây sa nhân, tạo thêm một nguồn thu nhập hằng năm, theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Hiện, trên địa bàn xã có gần 500 ha cây sa nhân, tập trung ở một số bản như Piềng Chà, Co Bá, Nà Bá, Pha Lè và bản Leo. Không chỉ giúp bà con có thêm việc làm, thêm nguồn thu, mà thông qua việc trồng và chăm sóc cây sa nhân, người dân có ý thức hơn trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bởi bà con hiểu rằng có rừng thì sa nhân mới phát triển tốt.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng sa nhân tại bản, ông Bàn Văn Tiến, Trưởng bản Piềng Chà, giới thiệu: Bản có gần 50 ha cây sa nhân trồng dưới tán rừng. Sa nhân không mất nhiều công chăm sóc; sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong vòng 10 năm. Bình quân 1 ha sa nhân có thể cho thu từ 100-150 kg quả khô/năm, thương lái thu mua tại bản với giá dao động khoảng 70.000 - 100.000/kg. Trung bình mỗi năm các hộ trồng sa nhân có thể thu từ từ 5 - 10 triệu đồng/ha. Điển hình như gia đình anh Lý Văn Hồng hiện có 4 ha sa nhân xen với cây xoan, mỗi năm gia đình anh có thêm một nguồn thu từ 20 - 30 triệu đồng từ loại cây trồng này. Cũng nhờ cây sa nhân phát triển tốt đã góp phần chống cháy rừng hiệu quả, gần 20 năm trở lại đây không còn tình trạng cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Ý thức quản lý, bảo vệ rừng của bà con trong bản cũng được nâng lên; Piềng Chà là bản có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất xã, đạt trên 80%.
Thực tế cho thấy, mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng được triển khai trên địa bàn huyện Vân Hồ bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng nguồn thu và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, để loại cây trồng này phát triển bền vững, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cần tăng cường quản lý, quan tâm hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm quả sa nhân. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Có như vậy, việc phát triển cây sa nhân dưới tán rừng mới hỗ trợ tốt cho sinh kế người dân, cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tao-sinh-ke-gan-voi-bao-ve-rung-o-van-ho-30616