Tạo sức mạnh tổng hợp chống tội phạm xuyên quốc gia

Việc tham gia ứng cử vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Ban Thư ký Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL) thể hiện rõ quyết tâm cũng như cam kết và hành động mạnh mẽ của lực lượng Cảnh sát Việt Nam trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực cũng như trên thế giới.

Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, chính thức đảm nhiệm chức vụ Giám đốc phụ trách Kế hoạch và Chương trình của Ban thư ký ASEANAPOL

Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, chính thức đảm nhiệm chức vụ Giám đốc phụ trách Kế hoạch và Chương trình của Ban thư ký ASEANAPOL

Hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia

Vai trò và vị trí của của lực lượng Cảnh sát Việt Nam trong Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL) được nâng cao thêm khi Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, chính thức đảm nhiệm chức vụ Giám đốc phụ trách Kế hoạch và Chương trình của Ban thư ký ASEANAPOL kể từ ngày 11-1 sau lễ chuyển giao các chức vụ Giám đốc Dịch vụ Cảnh sát và Giám đốc Kế hoạch và Chương trình của ASEANAPOL diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký ASEANAPOL. Đây là lần đầu tiên một sỹ quan của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam đảm nhận vị trí quan trọng trong các tổ chức Cảnh sát quốc tế và khu vực.

Ban Thư ký ASEANAPOL có trụ sở đặt tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2010. Đây là cơ quan thường trực để triển khai các cam kết, kết luận của Tư lệnh Cảnh sát các nước thành viên ASEANAPOL được thông qua tại các Tuyên bố chung thường niên liên quan đến hoạt động hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và nâng cao năng lực của lực lượng Cảnh sát của 10 nước thành viên ASEAN, cũng như mở rộng hợp tác đối với các đối tác đối thoại và quan sát viên của ASEANAPOL. Đứng đầu Ban thư ký ASEANAPOL là Giám đốc điều hành với nhiệm kỳ 2 năm.

ASEANAPOL được chính thức thành lập năm 1981 với sự tham gia ban đầu của lực lượng cảnh sát 5 nước thành viên ASEAN là Malaysia, Philippine, Indonesia, Thái Lan và Singapore. Sau đó các nước thành viên khác của ASEAN cũng lần lượt tham gia ASEANAPOL: Brunei năm 1985, Việt Nam năm 1996, Myanma và Lào năm 1998 và Campuchia năm 2000. Hiện nay, ASEANAPOL đã trở thành mô hình hợp tác thu hút sự tham gia của tất cả 10 nước thành viên ASEAN.

Việc thành lập ASEANAPOL nhằm đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia có hiệu quả, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN. Mục đích này được thực hiện thông qua việc thiết lập khuôn khổ hợp tác có sự liên kết chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát các nước trong khu vực ASEAN.

Theo yêu cầu đấu tranh chống tội phạm, trong từng giai đoạn, ASEANAPOL tập trung đấu tranh với các loại tội phạm khác nhau. Hiện nay, các loại tội phạm xuyên quốc gia được ASEANAPOL đặc biệt chú trọng trong quá trình thiết lập quan hệ hợp tác là tội phạm ma túy, khủng bố, buôn lậu vũ khí, buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tội phạm trên biển, tội phạm tài chính, tội phạm ngân hàng, lừa đảo thẻ tín dụng, tội phạm công nghệ cao, giấy thông hành giả và lừa đảo xuyên quốc gia.

Hoạt động của ASEANAPOL chịu sự chi phối của hai nhóm nguyên tắc có mối quan hệ tác động qua lại chặt chẽ với nhau là các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại và các nguyên tắc của ASEAN như: tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; tôn trọng quyền tự quyết của mỗi quốc gia; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; các quốc gia cùng hợp tác có hiệu quả; nguyên tắc đồng thuận.

Thực tế cho thấy, những nguyên tắc có giá trị chi phối nhiều nhất tới hoạt động của ASEANAPOL là nguyên tắc đồng thuận và nguyên tắc hợp tác hiệu quả. Để hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, các bên tham gia phải có những hành động kịp thời, thiết thực và tôn trọng chủ quyền của nhau khi hợp tác. Yêu cầu này chỉ có thể thực hiện tốt khi hai nguyên tắc trên được áp dụng triệt để. Điều này càng có ý nghĩa khi hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trong khuôn khổ ASEAN được đặt trong bối cảnh các nước có nhiều khác biệt đòi hỏi phải có sự thống nhất trong đa dạng.

Mở rộng hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm

Cộng đồng ASEAN với sự gắn kết chặt chẽ của 10 nước thành viên với quy mô dân số hơn 640 triệu người và tổng giá trị sản phẩm quốc dân (GDP) hiện khoảng 3.000 tỷ USD. Đây là khu vực năng động, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của nhiều nước lớn trên thế giới và đang nhận được sự quan tâm cũng như nguồn đầu tư từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, khu vực Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề an ninh trật tự. Trong hoàn cảnh hiện nay, vai trò của các cơ quan thực thi pháp luật của các nước ASEAN, trong đó có lực lượng cảnh sát của các nước, là rất quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Với lịch sử ra đời hơn 40 năm nhằm mục đích kết nối lực lượng cảnh sát các nước trong khu vực, tạo nên sức mạnh tổng hợp chống lại các loại tội phạm xuyên quốc gia, ASEANAPOL đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với tổng số 10 nước thành viên, 10 đối tác đối thoại, 6 quan sát viên. Với số lượng nước thành viên và đối tác lớn như vậy, trong những năm qua hoạt động hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của ASEANAPOL cũng như các nước thành viên đã góp phần to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh các quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đảm bảo hạnh phúc cho người dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong những năm qua, Chính phủ ta đã giao Bộ Công an triển khai các biên chế làm việc tại Ban Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ban Thư ký ASEANAPOL. Việc tham gia ứng cử vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Ban Thư ký ASEANAPOL thể hiện rõ quyết tâm cũng như cam kết mạnh mẽ của lực lượng Cảnh sát Việt Nam trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Việc lần đầu tiên một sỹ quan của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam đảm nhận vị trí quan trọng trong các tổ chức Cảnh sát quốc tế và khu vực cho thấy vị thế quan trọng của lực lượng Cảnh sát nước ta tại ASEANAPOL. Thông qua trực tiếp điều hành các hoạt động của Ban Thư ký ASEANAPOL, sỹ quan của Bộ Công an sẽ tích lũy được kinh nghiệm cần thiết để chuẩn bị tốt cho lộ trình tiếp quản và đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký ASEANAPOL vào năm 2028; góp phần thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam với các đối tác trong khu vực, từ đó nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan đến Việt Nam.

Chúng ta sẽ chủ động nắm các phương hướng trọng tâm của ASEANAPOL trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm để kịp thời tham mưu với lãnh đạo các cấp triển khai các chiến lược hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát Việt Nam với ASEANAPOL cũng như với các nước thành viên, các đối tác đối thoại và quan sát viên của ASEANAPOL. Đồng thời, việc nắm giữ vị trí quan trọng tại Ban thư ký ASEANAPOL cũng giúp lực lượng Cảnh sát Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, công nghệ, trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tao-suc-manh-tong-hop-chong-toi-pham-xuyen-quoc-gia-post528561.antd